Thương mại điện tử nông nghiệp Đông Nam Á lên ngôi

QUÂN BẢO 10/03/2022 03:00

AgriAku, một sàn thương mại B2B dành cho nông dân có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) vừa huy động được 6 triệu USD. Thương mại điện tử nông nghiệp cũng là xu hướng đang lên rất đáng chú ý ở Việt Nam.

>>Đất không rộng, vẫn làm giàu nhờ nông nghiệp

Sàn thương mại AgriAku là nơi để những nhà bán lẻ nông nghiệp mua sắm sản phẩm từ các nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất. Hàng hóa chủ yếu là hạt giống, phân bón và hóa chất nông nghiệp. Sau đó những người bán lẻ sẽ bán lại hàng cho nông dân. Ngoài ra AgriAku cũng cung cấp phần mềm kinh doanh, chẳng hạn quản lý sổ sách và hàng tồn kho, để giúp họ dự báo về những mặt hàng mà nông dân đang có nhu cầu.

Mục tiêu của AgriAku là cung cấp cho các nhà bán lẻ và giới nông nhân cơ hội tiếp xúc với nhiều loại mặt hàng và giá cả minh bạch.

Sàn thương mại AgriAku bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 2021 và mức tăng trưởng trung bình hằng tháng trong bốn tháng vừa rồi là 200% tổng giá trị hàng hóa. Số lượng người dùng hiện tại của AgriAku là 10.000 cửa hàng.

Theo Irvan Kolonas, người sáng lập công ty, những năm trong nghề giúp anh nhận ra rằng việc bán hàng trực tiếp cho nông dân không hề bền vững. Thay vào đó việc tập trung đầu tư các Toko Tanis, hay còn gọi là những đại lý bán lẻ, thì hợp lý hơn. Vì những đại lý này không chỉ nhập hàng, cung cấp hàng mà còn có thể thực hiện các dịch vụ khác cho nông dân.

Với việc huy động được 6 triệu USD, AgriAku là cái tên mới nhất trong danh sách những startup công nghệ nông nghiệp Indonesia nhận được tiền đầu tư. Một cái tên khác cũng nổi bật không kém ở thị trường này TaniHub Group, sàn thương mại B2B kết nối nông dân với khách hàng. Hồi tháng 5/2021, TaniHub huy động thành công 65,5 triệu USD vốn đầu tư, liên kết được hơn 45.000 nông dân và có 350.000 người mua.

 >>Kỳ vọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ vươn tầm quốc tế

Indonesia không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất chứng kiến sự khởi sắc của công nghệ nông nghiệp. Việt Nam, một quốc gia có nền nông nghiệp lớn, cũng liên tiếp ghi nhận sự ra đời và phát triển của công nghệ nông nghiệp.

Đơn cử vào đầu năm nay, nền tảng thương mại điện tử nông sản FoodMap vừa công bố gọi vốn thành công 2,9 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A. Đây là một công ty rất mới, chỉ vừa thành lập năm 2020. Hiện tại FoodMap cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất nông nghiệp trên khắp Việt Nam.

Khách hàng của FoodMap có cả khách cá nhân và khách doanh nghiệp. Điểm đặc biệt là FoodMap tích hợp mã QR cho sản phẩm, để khách hàng có thể tìm hiểu thông tin và nguồn gốc xuất xứ thông qua website hoặc ứng dụng di động.

Hoặc Mio cũng là một nền tảng thương mại điện tử nông sản của Việt Nam. Thành lập năm 2020, Mio chuyên mua bán nông sản cho các thành phố cấp 2 và cấp 3 của Việt Nam. Đầu năm 2022, Mio cũng huy động thành công 8 triệu USD từ vòng gọi vốn Series A, nâng tổng số tiền huy động được từ khi thành lập là 9,1 triệu USD. Trong một năm vừa qua, tổng giá trị giao dịch của Mio tăng hơn 50 lần, cung cấp hơn 10.000 sản phẩm tươi sống mỗi ngày. Hiện tại sau khi phủ sóng ở những tỉnh thành phía Nam, Mio đang có tham vọng Bắc tiến.

Với hàng loạt dự án nhận được đầu tư lớn, có thể thấy công nghệ nông nghiệp là một ngành cực kỳ tiềm năng ở Đông Nam Á. Bản thân thị trường nông nghiệp Đông Nam Á vẫn chưa quá hiện đại, do đó còn rất nhiều không gian để các startup khai phá. Ngoài ra, việc xuất hiện những sàn thương mại điện tử là chìa khóa để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước, giải quyết bài toán xuất khẩu khó khăn của nông sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Ứng dụng blockchain “nâng tầm” nông nghiệp

    Ứng dụng blockchain “nâng tầm” nông nghiệp

    21:08, 03/03/2022

  • Cuộc đua làm cách mạng nông nghiệp của em trai tỷ phú Elon Musk

    Cuộc đua làm cách mạng nông nghiệp của em trai tỷ phú Elon Musk

    01:04, 26/01/2022

  • Nông nghiệp đa giá trị ở Pháp

    Nông nghiệp đa giá trị ở Pháp

    05:30, 21/01/2022

QUÂN BẢO