Đà Nẵng lựa chọn kịch bản phát triển kinh tế nào cho năm 2021?
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thứ 16, khóa IX, 2016 - 2021, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã trình bày 03 kịch bản phát triển kinh tế của thành phố trong năm 2021.
Báo cáo tại kỳ họp, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố chịu tác động bởi 02 đợt dịch COVID-19 nên kinh tế thành phố năm 2020 không thể duy trì được mức tăng như những năm trước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp.
Theo đó, quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 101.233 tỷ đồng (năm 2019 đạt 110.792), GRDP bình quân đầu người ước đạt 87,16 triệu đồng (3.678 USD) giảm 10,2% so với năm 2019. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” với khu vực dịch vụ 65,1%, công nghiệp - xây dựng 22,3%, nông nghiệp 2,2% và thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) 10,4%.
Cụ thể, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, đạt 34,3% kế hoạch, giảm 62,6% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 69,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, đạt 52,6% kế hoạch, giảm 40,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 ước đạt 54.972 tỷ đồng, giảm 6,1% so với năm 2019, đạt 77,1% kế hoạch. Doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 22,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 11,3% so với năm 2019. Sản lượng khai thác hải sản ước đạt 38.322 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,8% so với năm 2019.
“Đến cuối năm 2020, thành phố hoàn thành đạt và vượt 3/11 chỉ tiêu đề ra, có 8/11 chỉ tiêu kinh tế không đạt kế hoạch. Trong đó, có các chỉ tiêu chính như Tổng sản phẩm xã hội (GRDP), Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và Tổng vốn đầu tư phát triển.” Ông Hồ Kỳ Minh thông tin.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có hơn 190.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có hơn 20.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 70.120 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 99.280 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Để khôi phục kinh tế TP. Đà Nẵng trong năm tới, UBND TP. Đà Nẵng trình Hội đồng nhân dân thành phố 03 kịch bản phát triển. Thông qua đó, Hội đồng nhân dân sẽ đánh giá, lấy ý kiến để chọn kịch bản phù hợp để đưa ra thực hiện trong năm 2021.
Kịch bản 1: Ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt 8,5-9%, phấn đấu tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019. Tốc độ tăng của Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng, Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 7-8%, 8-9%, 3-4%, trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức trên 20% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống và trên 10% như: hoạt động dịch vụ khác và một số ngành công nghiệp khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8-9%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 7,5-8 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4,5-5 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 150% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5-9%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.600 tỷ đồng.
Kịch bản 2: Trong 06 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm, và bắt đầu tăng tốc từ quý III/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018. Tốc độ tăng của Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng, Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 4-5%, 7-8%, 3-4%, trong đó, một số ngành sẽ phải tăng mạnh ở mức khoảng 10% như: vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động dịch vụ khác do đã giảm khá sâu trong năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7-8%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa khoảng 4 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng trên 70% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng khoảng 6%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.240 tỷ đồng.
Kịch bản 3: Năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý IV/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt khoảng 3-3,5%, tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018. Tốc độ tăng của Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng, Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản lần lượt là 2-3%, 5-6%, 3-4%, trong đó, hầu hết các ngành đều tăng trưởng ở mức thấp, một số ngành có thể tiếp tục tăng trưởng âm do chưa thể phục hồi và tiếp tục nhận tác động tiêu cực từ Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6-7%; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó hầu hết là khách nội địa; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 7-10% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 3-4%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Đà Nẵng lần đầu tăng tưởng âm 9,77%
09:00, 07/12/2020
“Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” cho Đà Nẵng năm 2021
08:25, 05/12/2020
DITP Đà Nẵng hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc
06:26, 04/12/2020
Dân bên KĐT Phước Lý (Đà Nẵng) kêu trời (Kỳ 1): Đời sống bấp bênh vì dự án
04:30, 04/12/2020
Đà Nẵng: “Hoán đổi đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng”
13:14, 26/11/2020
Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam bắt tay nhau kích cầu du lịch
20:54, 25/11/2020
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng chưa làm gì đã lạc hậu?
16:30, 25/11/2020