Mỹ - Trung tiếp tục "nóng" tranh cãi nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục làm nóng tranh cãi về nguồn gốc dịch Covid-19. Vấn đề này đang đặt ra sức ép với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh lực lượng tình báo Mỹ nỗ lực để điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, bao gồm cả khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và báo cáo kết quả điều tra trong vòng 90 ngày, theo AP.
Đồng thời, ông Biden cũng chỉ đạo phòng thí nghiệm quốc gia và cộng đồng tình báo chuẩn bị danh sách câu hỏi dành cho Trung Quốc và kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với các cơ quan quốc tế nhằm tìm ra nguồn gốc của đại dịch.
"Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác cùng chí hướng để thúc ép Trung Quốc tham gia vào cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên bằng chứng; đồng thời cung cấp quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan", ông Biden nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra tuyên bố nói rằng "một số lực lượng chính trị đã cố ý thao túng chính trị và chơi trò đổ lỗi". Đại sứ quán Trung Quốc cũng cho biết, họ ủng hộ tiến hành một nghiên cứu toàn diện về tất cả ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện trên thế giới và cuộc điều tra kỹ lưỡng về một số căn cứ bí mật, phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới.
Ngày 27/5, Mỹ đã kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai giai đoạn hai của cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, nhấn mạnh các chuyên gia độc lập cần được toàn quyền tiếp cận dữ liệu và mẫu bệnh phẩm gốc ở Trung Quốc.
Theo các chuyên gia trên thế giới, việc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 đang trở nên quan trọng hơn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Trong khi chính quyền Biden đang đứng trước sức ép để chứng minh rằng họ có đủ sức ảnh hưởng và sẵn sàng truy tìm nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19, thì Bắc Kinh đang nỗ lực để thoát khỏi cáo buộc làm bùng phát đại dịch.
Cho đến thời điểm hiện tại, đang có hai giả thuyết được thúc đấy mạnh mẽ là virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã lây sang người và sản phẩm của một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm. Trước đó, cuộc điều tra của nhóm chuyên gia đến từ WHO đã bác bỏ giả thuyết thứ hai, nhưng sau đó, Tổng Giám đốc WHO cho biết, tất cả các phương án đều được tiếp tục xem xét.
Tuy nhiên, sự thiếu cởi mở của Trung Quốc là yếu tố chính dẫn đến thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Những phát hiện của cuộc điều tra hồi đầu năm được cho là thiếu minh bạch và không độc lập với chính quyền Trung Quốc. Trong khi đó, việc điều tra nguồn gốc đại dịch cần phải minh bạch để tạo niềm tin vào kết quả điều tra.
Bên cạnh đó, Cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, Jamie Metzl, cho biết giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là có thể xảy ra. “Để tìm hiểu rõ hơn về giả thuyết này, Trung Quốc cần cho phép các chuyên gia quốc tế tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán và các dữ liệu thô, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh mới xuất hiện và bùng phát. Nếu điều này không xảy ra, các cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục đi vào bế tắc”, chuyên gia này nhận định.
Điều này sẽ đặt sức ép lên WHO khi các cuộc điều tra mới đang chuẩn bị được tiến hành trong thời gian tới. Tổ chức này đã phải vật lộn để đảm bảo đưa ra câu trả lời kịp thời và chi tiết về những gì đang diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 khi virus SARS-CoV-2 bùng phát.
Phát biểu trên CNN, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Indiana Todd Young cho rằng, cơ quan y tế toàn cầu cần phải hành động nhanh chóng hơn nữa để thiết lập lại danh tiếng của mình bằng cách thuyết phục Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về nguồn gốc của virus.
Chính vì vậy, các nhà phân tích chính sách y tế toàn cầu khuyến nghị, để cuộc điều tra được tiến hành độc lập, các nước cần hạn chế chính trị hóa cuộc điều tra nguồn gốc virus vì mục đích riêng. Các giả thuyết cần được nghiên cứu một cách công bằng, tránh các cuộc tranh luận có thể cản trở nỗ lực nghiên cứu của các nhà điều tra.
Đặc biệt, như David Fidler, một nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn ở Washington DC đánh giá, điều quan trọng là các quốc gia phải làm việc cùng nhau để kiềm chế đại dịch và chuẩn bị cho thế giới đối phó với các đợt bùng phát trong tương lai. "Mỹ và Trung Quốc nên tạm dừng các cuộc tranh cãi xung quanh giả thuyết rò rỉ virus phòng thí nghiệm để tránh tình trạng bạo lực với người châu Á ở Hoa Kỳ, cũng như xúc phạm các nhà nghiên cứu và chính quyền tại Trung Quốc, những người đang cần hợp tác". - David Fidler nói.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc tìm cách đổ lỗi cho Mỹ về nguồn gốc dịch COVID-19
05:30, 05/04/2021
Trung Quốc bất ngờ công bố phát hiện mới về chủng virus gây COVID-10
12:18, 26/05/2021
Thêm tình tiết mới về giả thuyết virus gây COVID-19 rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán
05:30, 25/05/2021
Chạy đua giải mã SARS-CoV-2: Virus có khả năng tích hợp vào bộ gen người?
13:30, 15/05/2021