Khôi phục du lịch Đà Nẵng: (Bài 3) Giải bài toán nguồn nhân lực
Để chuẩn bị cho sự trở lại bùng nổ, các doanh nghiệp du lịch ưu tiên yếu tố nguồn nhân lực bởi những tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến một bộ phận người lao động chuyển nghề.
>>Khôi phục du lịch Đà Nẵng: (Bài 2) Phát huy nội lực doanh nghiệp
Trong quá trình khôi phục ngành du lịch, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đã liên tục xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới để thu hút du khách. Để đáp ứng đủ điều kiện triển khai có hiệu quả, việc đảm bảo nguồn nhân lực chính là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, khi dịch COVID-19 có những tác động tiêu cực đã khiến người lao động ngành du lịch bị thất nghiệp. Do đó, người lao động đã lựa chọn chuyển đổi ngành nghề để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chỉ một số ít đơn vị còn duy trì được đầy đủ nguồn nhân lực trong đại dịch. Đến khi ngành du lịch mở cửa trở lại, tình trạng thiếu nhân lực cục bộ khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn.
Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng xoay xở, tuyển dụng và đào tạo kịp thời để đảm bảo phục vụ du khách. Từ đó, ngành du lịch Đà Nẵng đã đón nhận nhiều tín hiệu tốt trong thời gian qua, đặc biệt là vào dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương khi lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng đột biến.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FVG cho biết hoạt động của đơn vị trong suốt 2 năm đình trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, bản thân FVG cũng phải linh hoạt và thích ứng mô hình kinh doanh theo diễn biến thực tế của dịch bệnh và nhìn nhận từ thị trường chung để đưa ra các phương án thích hợp theo từng giai đoạn. Theo bà Nhung, một số điểm du lịch cũng đã có dấu hiệu khởi động trở lại dù chưa thực sự ồ ạt với nhiều hoạt động kích cầu du lịch, các hoạt động sự kiện, lễ hội, tuyển dụng lao động.
“Câu chuyện về thị trường lao động hoạt động trong mảng du lịch là một trong những nhân tố chủ lực quyết định sự phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, tuy vậy nó phụ thuộc khá nhiều vào chuỗi cung – cầu thực tế của thị trường du lịch. Bởi thực tế hiện tại, số lượng lao động còn bám trụ với nghề này cũng đã thích ứng và chuyển đổi công việc trong suốt thời gian vừa qua, khi doanh nghiệp gần như duy trì tối thiểu lực lượng lao động, cắt giảm các chi phí vận hành”, bà Nguyễn Thị Phương Nhung nói.
Để sẵn sàng cho sự trở lại, vị này cho hay FVG mong muốn tạo ra các sản phẩm du lịch mới cho du khách, ngoài công tác hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình mới thì bên cạnh đó, việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ lao động cũng đã được tính đến. Trong thời gian gần đây, Tập đoàn FVG cũng đã tổ chức tuyển dụng rộng rãi lao động miền Trung dựa trên cân đối hoạt động của đơn vị.
“Đồng thời, chúng tôi liên tục tổ chức các hoạt động đào tạo nghiệp vụ nhằm hướng tới hình thức phục vụ chuyên nghiệp khi một thời gian nữa, chúng tôi sẽ chính thức vận hành và đưa vào khai trương hoạt động của dự án khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã bắt đầu tái khởi động đón khách trong mùa hè này với các dịch vụ đa dạng lưu trú, nhà hàng, bar- café với chi phí tối ưu nhằm thu hút khách du lịch nội địa”, bà Nhung cho hay.
Được biết, để đảm bảo nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi, Sở Du lịch Đà Nẵng đã tiến hành liên kết với các trường chuyên đào tạo du lịch để “đặt hàng” sinh viên. Ngoài ra, Sở này cũng thường xuyển tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay đơn vị cũng chủ động xây dựng các phương án phồi hồi theo từng giai đoạn trong thời gian tới. Đồng thời, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển nguồn nhân lực của thành phố trên cơ sở phối hợp giữa chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp.
“Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động trong lĩnh vực du lịch sớm trở lại và tiếp cận với công việc”, ông Bình cho biết.
Có thể bạn quan tâm