“Gỡ khó” cho du lịch Quảng Nam
Dù đã có một số tín hiệu khởi sắc, nhưng các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nên cần được tiếp tục hỗ trợ để sớm phục hồi hoạt động.
>>Cần thêm "cú hích" cho du lịch Quảng Nam
Theo thông tin từ Sở VH, TT&DL Quảng Nam, doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn trong 5 tháng qua ước đạt 1.110 tỷ đồng. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 2.609 tỷ đồng. Tuy nhiên, các thị trường quốc tế truyền thống vẫn chưa thể “khơi thông”. Cùng với đó vẫn còn những khó khăn về vốn hoạt động, nhân lực…
Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Du lịch Hội An Express cho biết, đến nay các doanh nghiệp vẫn còn “lăn tăn” về bảo hiểm du lịch, điều kiện nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhân lực lao động…
>>“Hồi sức” du lịch Quảng Nam
“Chúng tôi đề xuất tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tháng 6/2023. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán điện kinh doanh sang giá bán lẻ cho các ngành đầu tư sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách miễn giảm thuế, giảm phí giao thông đường bộ đối với các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong năm 2022”, bà Phạm Quế Anh kiến nghị.
Ông Văn Bá Sơn, PGĐ Sở VH, TT&DL Quảng Nam, cho biết để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển du lịch, Sở đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép doanh nghiệp du lịch đang hoạt động được chậm nộp BHXH và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến hết ngày 31/12/2022.
Ngoài ra, theo ông Văn Bá Sơn, UBND tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo rà soát lại các không gian xanh, đất nông nghiệp bỏ hoang, các dự án treo quá lâu, dành ra quỹ đất để phát triển các làng nghề du lịch xanh và các dịch vụ đặc trưng Quảng Nam.
Có thể bạn quan tâm