Đưa di sản đến gần hơn với khách du lịch
Các di sản mang lại giá trị đặc biệt cho các địa phương. Đây là các điểm nhấn mỗi khi khách du lịch tìm hiểu về một vùng đất.
>>Cần gì để phát triển ngành công nghiệp sâm Việt Nam?
Nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam năm 2022 với chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam”. Thông qua các nội dung trưng bày nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa, và thiên nhiên độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho hay sự kiện là dịp để quảng bá tiềm năng, sức hấp dẫn của du lịch xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên đất nước của cộng đồng. Qua đó, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
“Triển lãm cũng giới thiệu các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống, tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của các nghệ nhân, làng nghề, qua đó quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề, giữa người sản xuất với du khách. Đặc biệt, tại khu trưng bày giới thiệu về Du lịch xanh - những điểm đến tuyệt vời, là loại hình du lịch đang ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là một hình thức du lịch Việt Nam an toàn, bền vững và sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai với những điểm đến xanh tuyệt vời, gần gũi thiên nhiên và các xu hướng du lịch xanh đang được ủng hộ tại Việt Nam”, ông Tạ Quang Đông nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin địa phương được UNESCO công nhận 3 di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Theo ông Tuấn, di sản văn hóa Thế Giới là những kết tinh được truyền từ những đời, thế hệ trước, trách nhiệm chúng ta phải gìn giữ bảo tồn và phát huy.
“Triển lãm này có sự góp mặt của nhiều vùng miền gồm Đông Bắc, Tây Bắc, vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ với 27 tỉnh thành tham gia. Đây là dịp để các tỉnh thành, chuyên gia những nhà nghệ thuật trong lĩnh vực này có cơ hội trao đổi, tìm hiểu, đúc kết, chiêm nghiệm được những giá trị văn hóa.
Cùng với đó, thích ứng bảo tồn và gìn giữ để phát triển tốt hơn và hơn thế nữa để chúng ta chuyển đến bạn bè thế giới năm châu để thấy rằng Việt Nam là một đất nước giàu bản sắc văn hóa, đây là cơ sở để chúng ta vượt qua những khó khăn thách thức và tiếp tục phát triển đẩy mạnh kinh tế, văn hóa, đời sống cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.
Anh Phạm Văn Hạ Vĩ, du khách Đà Nẵng chia sẻ các di sản mang lại giá trị đặc biệt cho các địa phương. Đây là các điểm nhấn mỗi khi khách du lịch tìm hiểu về một vùng đất để chọn điểm đến, dịch vụ vui chơi giải trí trong kỳ nghỉ dưỡng.
“Hiện tại, các địa phương đang làm rất tốt công tác quản lý, khai thác du lịch đối các di sản. Dựa vào di sản, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa sẽ mang lại ấn tượng trong mắt khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế khi đến với Việt Nam”, anh Vĩ cho biết.
Được biết, Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 8 tháng 7 đến ngày 13 tháng 7 năm 2022 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Không gian triểm lãm có sự tham gia của 27 tỉnh, thành phố với 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ .
Trong đó tập trung giới thiệu các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu của địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương, sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của địa phương.
Có thể bạn quan tâm