Quảng Nam "đẩy" du lịch đến nông thôn
Theo tỉnh Quảng Nam, việc phát triển du lịch tại vùng nông thôn sẽ mang lại hiệu quả tích cực, mở rộng không gian du lịch giảm xung đột tại các vùng đô thị.
>>Khởi nghiệp với nước mắm nhĩ truyền thống
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông để đăng ký 12 điểm du lịch tại các vùng nông thôn. Đây là kế hoạch của tỉnh nhằm tham gia triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 922 ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề xuất của địa phương, các điểm đến đăng ký tham gia gồm các địa điểm làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An), làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), làng du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải, làng du lịch sinh thái cộng đồng hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ (H.Núi Thành). Bên cạnh đó là các điểm đến làng cổ Lộc Yên (H.Tiên Phước), các làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (TX.Điện Bàn), Mô Chai (H.Nam Trà My), thôn Ariêu (H.Tây Giang), Bhơhôồng (H.Đông Giang), làng Đại Bình (H.Nông Sơn). Cuối cùng là làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (H.Nam Giang).
Qua tính toán, nếu đề xuất của tỉnh Quảng Nam được thống nhất xem xét hỗ trợ, thời gian thực hiện sẽ bắt đầu từ năm 2023 - 2025. Tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 137,4 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 113,5 tỷ đồng.
Trước yêu cầu của bối cảnh, việc mở rộng không gian du lịch là cần thiết đối với tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, địa phương hiện nay đang có định hướng phát triển du lịch xanh và đã ban hành Quy chế đánh giá du lịch xanh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event cho rằng Quảng Nam đang có rất nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Trong đó, các điểm đến cộng đồng, du lịch nông thôn được ông Tư đánh giá rất cao.
“Trong bối cảnh nhu cầu du lịch đã thay đổi sau dịch bệnh, việc xây dựng các điểm đến mới, sản phẩm du lịch mới chính là hướng đi của hầu hết các địa phương. Trong đó, khách du lịch sẽ chú trọng hơn về hình thức trải nghiệm, nghỉ dưỡng, mạo hiểm,... hơn là “cưỡi ngựa xem hoa” tại các điểm đến du lịch nổi tiếng nhưng chật chội.
Ngoài ra, với xu thế du lịch xanh, tỉnh Quảng Nam đã là địa phương đầu tiên có bộ tiêu chí đã gây ấn tượng mạnh trong mắt khách quốc tế nên việc phát triển thêm nhiều điểm đến sẽ là yếu tố lợi thế để kéo khách Tây về”, ông Lê Thiên Tư nói.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm CLB giữ gìn giá trị bản địa điểm đến Quảng Nam cho rằng cần có thêm các công trình hỗ trợ cho du lịch. Ông Việt đề xuất, các địa phương cần chú trọng xây dựng công trình công cộng, mở lối xuống biển,... để phục vụ du khách.
“Với các địa phương giáp biển thì công viên, lối xuống biển là rất quan trọng trong việc phát triển du lịch. Vì vậy, công tác đầu tư, quy hoạch cần được triển khai nhanh, đồng bộ để hòa chung vào công cuộc phục hồi du lịch. Hơn nữa, tại các điểm đến vùng xa cần có thêm các công trình công cộng, khắc phục hạ tầng để “kéo” khách đến, ở lại và tiêu tiền”, ông Lê Quốc Việt kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm