Thanh Hóa: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế biển

LÊ TRANG 01/12/2022 01:00

Tăng cường liên kết, kết nối du lịch Sầm Sơn với các khu, điểm du lịch của các địa phương trong tỉnh nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

>>Du lịch Camping: Sức hút mới của du lịch Thanh Hóa

Đây là một trong những giải pháp phát triển kinh tế biển của thành phố Thanh Hóa đưa ra nhằm triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2023.

Diện mạo mới của đô thị du lịch Sầm Sơn.

Diện mạo mới của đô thị du lịch Sầm Sơn. Ảnh: Internet

Du lịch - ngành kinh tế chủ đạo

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự.

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn.

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch... đã hình thành nên các khu, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như: bản Năng Cát (Lang Chánh); Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); bản Hang (Quan Hóa); bản Ngọc (Cẩm Thủy); bản Ngàm (Quan Sơn)...

Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa vào công bố phục vụ khách du lịch như: “Ngược xuôi sông Mã”, tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm du lịch đồng quê, du lịch động Tiên Sơn - Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); khu Du lịch động Kim Sơn (Vĩnh Lộc); khu Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Nông trại Queen Farm (Quảng Xương); Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.

có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện khác nhau để di chuyển đến khu du lịch Sầm Sơn Thanh Hoá. Ảnh: Internet

Có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện khác nhau để di chuyển đến khu du lịch Sầm Sơn Thanh Hoá. Ảnh: Internet

>>Phiên chợ vùng cao - Kết nối giao thương miền tây Thanh Hóa

>>Chuyện tình Pha Dua “đánh thức” du lịch miền núi xứ Thanh

>>Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Nhiều giải pháp hiện thực hóa mục tiêu 2023

Tính đến tháng 10/2022, thành phố Thanh Hóa đón gần 6,9 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7% kế hoạch năm 2022; phục vụ gần 14 triệu ngày khách, gấp 3,99 lần so với cùng kỳ năm 2021; bằng 169,3% kế hoạch năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 13.976,6 tỷ đồng, gấp 51,74 lần so với cùng kỳ năm 2021; bằng 180,3% kế hoạch năm 2022.

Dự kiến trong năm 2022, thành phố đón được gần 7,1 triệu lượt khách, gấp 4,5 lần năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; phục vụ hơn 14 triệu ngày khách, gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 14.134,2 tỷ đồng, gấp 5,22 lần so với năm 2021, bằng 182,4% kế hoạch năm 2022.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 thành phố Sầm Sơn phấn đấu đón 7,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, TP Sầm Sơn đã ban hành Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện giai đoạn 2021-2025 đến cán bộ, đảng viên từ thành phố đến cơ sở.

Thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo hoạt động du lịch, dịch vụ năm 2022 do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; Tổ quản lý điều hành của UBND thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng; Thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại, du lịch do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều hành.

Đến nay trên địa bàn thành phố có trên 710 cơ sở lưu trú du lịch với trên 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (105 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 6.955 phòng), với khoảng 50 nhà hàng phục vụ ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, với việc ưu tiên tập trung các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch lớn, đẳng cấp từ các tập đoàn lớn trong nước, du lịch Sầm Sơn đã phát huy được lợi thế, tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch; từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển thành phố Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia theo Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 đón 7,25 triệu lượt khách, ông Nguyễn Văn Thi đề nghị TP Sầm Sơn tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong quản lý giá cả, quản lý kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe điện.

Bên cạnh đó, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của người dân, các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố để có hướng giải quyết thỏa đáng, phù hợp. Xây dựng, phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn theo hướng bền vững, định hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế. Tập trung các nguồn lực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển du lịch Sầm Sơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo, thành phố Sầm Sơn nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các quy hoạch trên địa bàn để tạo cơ sở pháp lý cho công tác đầu tư phát triển du lịch như: Lập và trình phê duyệt các quy hoạch phân khu B, phân khu G nhằm thực hiện Quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040.

Đồng thời, triển khai nhanh các dự án kết nối giao thông, hạ tầng thiết yếu tại các điểm đến, đặc biệt là bến tàu du lịch trên sông Mã; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thải, nước mưa phía Tây đường Hồ Xuân Hương, tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ Đại lộ Nam Sông mã đến Quốc lộ 47) và tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn từ đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo)...

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa lưu ý, phải ưu tiên nguồn lực để làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành liên quan tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Sầm Sơn tại các địa phương trọng điểm về du lịch của các nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, tập trung phát triển thêm các dịch vụ du lịch khu vui chơi giải trí cao cấp, khu văn hóa, thể thao, du lịch mạo hiểm; các điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và đặc sản của các địa phương trong tỉnh cho khách du lịch...

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Camping: Sức hút mới của du lịch Thanh Hóa

    03:30, 30/11/2022

  • Phiên chợ vùng cao - Kết nối giao thương miền tây Thanh Hóa

    12:59, 26/11/2022

  • Thanh Hóa: Kết nối giao thương khu vực Bắc Trung Bộ năm 2022

    23:47, 25/11/2022

  • Quan Sơn (Thanh Hóa): Nỗ lực đưa du lịch phát triển

    10:36, 23/11/2022

  • Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

    21:02, 18/11/2022

LÊ TRANG