Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ II): Nhiều thách thức cần hóa giải
Mặc dù Quảng Ninh có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, nhưng các mô hình du lịch này vẫn còn rất manh mún.
>>Phát triển du lịch cộng đồng Quảng Ninh (Kỳ I): Khoảng trống kỳ quan!
Quảng Ninh đang gặp rất nhiều thách thức trong việc phát triển bền vững các điểm du lịch cộng, đem lại lợi ích cho người dân và không làm tổn thương đến yếu tố văn hóa truyền thống.
Tiềm năng lớn
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, có điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, các mô hình du lịch cộng đồng của Quảng Ninh vẫn còn khá manh mún, chưa được phát triển bài bản, chuyên nghiệp để tương xứng với tiềm năng và các giá trị văn hóa của địa phương.
Trong thời gian gần đây, huyện Bình Liêu nổi lên là một điểm đến ưa thích của nhiều du khách, họ muốn trải nghiệm lễ hội hoa sở, khám phá “sống lưng khủng long” với 2 bên là bạt ngạt cỏ lau đầy thơ mộng. "Sống lưng khủng long” là đường tuần tra biên giới, trước đây là con đường mòn bằng đất trên đỉnh núi, đi lại khá hiểm trở. Hiện con đường đã được xây dựng lại để thuận tiện hơn cho việc di chuyển, với khoảng 2.000 bậc thang cho đoạn đường chừng 2km khá thuận lợi cho du khách trải nghiệm.
Ngoài ra, Bình Liêu còn nhiều điều hấp dẫn để khám phá, như ruộng bậc thang, rừng hồi, quế, mùa hoa sở, các lễ hội truyền thống dân tộc, cũng như các nét văn hóa đặc sắc Hát Then, Đàn Tính, Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày; hát Pả Dung, Ngày hội kiêng gió của người Dao; hát Soóng Cọ, Ngày hội bóng đá nữ của người Sán Chỉ…
Tiềm năng là vậy, nhưng du lịch Bình Liêu vẫn còn manh mún; các điểm lưu trú, dịch vụ còn thiếu và nằm riêng lẻ tại các thôn, bản khác nhau, hoạt động theo hình thức độc lập, chủ yếu phục vụ ăn, nghỉ, không có hoạt động văn hóa hấp dẫn với du khách. Bình Liêu làm du lịch văn hóa, nhưng không có các hoạt động văn hóa dân tộc đặc sắc vào ban đêm, không có không gian giao lưu đông người và thiếu tính cộng đồng… Điều này đã khiến cho du khách không hào hứng cho một cuộc trở lại.
>>Tạo đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng
Thiếu kiến thức phát triển
Chị Phạm Ngân – du khách Hải Phòng chia sẻ: “Bình Liêu rất đẹp và đặc sắc các nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, khi đến đây du lịch, ngoài tham quan ngắm cảnh sắc thiên nhiên thì các hoạt động khác khá nghèo nàn. “Bình Liêu nên có một trung tâm hoặc một đơn vị làm dịch vụ du lịch có thể hướng dẫn, giới thiệu và thậm chí tổ chức các hoạt động vui chơi mang đậm nét văn hóa địa phương”, chị Ngân nói.
Theo ông Đoàn Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Sen Á Đông, đơn vị thành công trong phát triển du lịch cộng động ở Đông Triều với địa danh Làng quê Yên Đức, không chỉ có Bình Liêu mà nhiều địa phương khác vốn rất giàu tiềm năng tại Quảng Ninh cũng đang thiếu kiến thức để phát triển du lịch bền vững.
“Quảng Ninh có các tài nguyên du lịch cộng đồng rất tốt, từ miền biển cho đến đồng bằng, miền núi. Nếu dựa vào trụ chính là Vịnh Hạ Long để khai thác các sản phẩm du lịch, dịch vụ cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả rất tốt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Quảng Ninh lại đang gặp rất nhiều thách thức về các kiến thức để có thể phát triển nơi đó mang tính chất bền vững, đồng thời đem lại lợi ích cho người dân và không làm tổn thương đến yếu tố văn hóa truyền thống của họ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Sở dĩ làng quê Yên Đức trở thành điểm du lịch cộng đồng được yêu thích do Công ty CP Du lịch Sen Á Đông nhận thấy du khách ngày càng có xu hướng tìm đến các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Chính vì vậy, Công ty này đã đặt vấn đề xuyên suốt trong các sản phẩm du lịch cộng đồng trải nghiệm của mình để đem yếu tố văn hóa giới thiệu tới du khách.
Ông Đoàn Văn Dũng cho rằng, muốn phát triển du lịch cộng đồng, thì phải để khách đến thăm các gia đình, có thể ăn, ngủ tại đó; khách đến thăm làng nghề, xem cách người dân làm sản phẩm, nghe, xem họ biểu diễn văn nghệ, nghe họ kể chuyện, theo họ đi đánh cá, gặt lúa, chèo thuyền, thăm thú cảnh sắc... Có như vậy thì mọi thứ mới trở nên sinh động, đầy cảm hứng và những cuộc chia tay với ấn tượng còn đọng mãi về những con người của một vùng danh thắng vừa qua.
“Một trong những thách thức với ai muốn làm du lịch cộng đồng là đem kiến thức tạo ra văn hóa trong sản phẩm của mình, vì văn hóa trong cộng đồng đó rất quan trọng. Đối với sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ chỉ là phương tiện để người ta đến, tiếp cận với văn hóa, cuộc sống của người dân. Nhưng làm thế nào để các bên (chính quyền – doanh nghiệp – người dân) cùng có kiến thức quản trị đó và chia sẻ lợi ích tốt cho các bên liên quan thì phát triển thành công du lịch cộng đồng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Kỳ III: Cần giải pháp phát triển bền vững
Có thể bạn quan tâm