Xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài
Sự phối hợp liên ngành thông qua nhiều hoạt động sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài sẽ góp phần phục hồi thị trường khách quốc tế.
>>Thúc đẩy du lịch cửa khẩu đường bộ
Bộ Ngoại giao vừa được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Do vậy, Bộ Ngoại giao đã đề xuất cùng Tổng cục Du lịch trao đổi về một số nội dung hai bên có thể chia sẻ thông tin, phối hợp hoạt động nhằm tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, góp phần phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới sẽ có khoảng 40 nước trên thế giới tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trong đó có Bỉ, Pháp, Nam Phi và Nhật Bản đang lên kế hoạch tổ chức Ngày Việt Nam tại nước ngoài. Bộ Ngoại giao và Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp tổ chức một số hội nghị, tọa đàm quốc tế có sự tham gia của một số chuyên gia từ các thị trường trọng điểm của Việt Nam để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phục hồi và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông và Ấn Độ, trong đó, công tác xúc tiến du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đề nghị phía Tổng cục Du lịch cung cấp các tư liệu, ấn phẩm du lịch tới các cơ quan đại diện và Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để chung tay truyền tải thông tin tới người dân và du khách ở nước sở tại.
Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện như Roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài… được đẩy mạnh thì năm 2023 sẽ là một năm bùng nổ của du lịch khi có tới khoảng 36 sự kiện quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam tại nước ngoài dự kiến diễn ra trong thời gian sắp tới. Ngoài những loại hình du lịch chủ đạo như du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch MICE,... du lịch văn hóa ẩm thực cũng cần được chú trọng, bởi ẩm thực chính là cách để du khách quốc tế biết tới nhiều hơn về Việt Nam.
Trong các chương trình xúc tiến, quảng bá đặc biệt phát huy vai trò của kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, để “mỗi kiều bào Việt Nam là một đại sứ du lịch” trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
>>Đà Nẵng kích cầu du lịch trong dịp nghỉ lễ
>>Du lịch Việt đón nhiều tín hiệu khởi sắc
Tuy nhiên, PGS. TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Việt Nam chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài. Trong khi đó, “đối thủ” trực tiếp của chúng ta là Thái Lan hiện có tới 29 văn phòng đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở ba châu lục lớn gồm: 18 văn phòng đại diện ở châu Á; 8 văn phòng ở châu Âu và 3 ở Bắc Mỹ, trong đó họ có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Hàn Quốc có 31 văn phòng (Số liệu năm 2019).
Để công tác quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam tại nước ngoài một cách hiệu quả, PGS. TS. Phạm Hồng Long cho rằng, dù một số công ty du lịch lớn của Việt Nam cũng có văn phòng đại diện ở nước ngoài, nhưng cần phải có văn phòng đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Việt Nam để tạo sự tin tưởng với các đối tác và du khách.
Cũng theo PGS. TS. Phạm Hồng Long, chúng ta đã đa dạng hóa nhiều kênh khác nhau, nhưng sự đầu tư của ngành du lịch nói riêng, của nhà nước nói chung cho công tác này chưa tương xứng về mặt tài chính. Vì thế, chúng ta không thể hoặc có tham gia vào các sự kiện du lịch lớn của khu vực và thế giới cũng không thể tổ chức gian hàng lớn hay thiết kế được những cuộc gặp B2B, B2C hiệu quả.
Mặt khác, Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.
“Số tiền ít ỏi buộc chúng ta phải quan tâm đến những thị trường tiềm năng nhất để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đó là thị trường châu Âu, Đông Nam Á và Ấn Độ. Thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã ra mắt năm ngoái cũng cần hoạt động tích cực và hiệu quả hơn cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch” - PGS. TS Phạm Hồng Long đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ vướng về cấp visa điện tử, chứng nhận tạm trú
20:43, 02/04/2023
Thanh Hóa: Khởi động tuyến du lịch Nghi Sơn – Đảo Mê
16:53, 02/04/2023
Thúc đẩy du lịch cửa khẩu đường bộ
03:40, 02/04/2023
Đà Nẵng kích cầu du lịch trong dịp nghỉ lễ
02:00, 02/04/2023
Cát Bà chào đón mùa du lịch biển 2023
02:30, 01/04/2023