Hải Dương: Khai thác giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch
Bên cạnh những loại hình du lịch như: sinh thái, mạo hiểm... gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các địa phương, tạo sức hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
>>>Hải Dương: Động lực tăng trưởng kinh tế từ doanh nghiệp FDI
>>>Hải Dương - Hưng Yên hợp tác cùng phát triển kinh tế - xã hội
Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trong và ngoài nước.
Phát huy giá trị
Việc khai thác, phát huy giá trị của các lễ hội góp phần phục hồi các ngành nghề thủ công, quảng bá sản phẩm đặc thù địa phương. Đây còn là tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch tại Hải Dương.
Những ngày đầu tháng 8/2023 vừa qua, tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về khu vực sông Sồi để cổ vũ cho hàng trăm người lội sông bắt cá trong lễ hội đùa nơm do địa phương này tổ chức.
Theo lãnh đạo xã An Thanh, đây là năm thứ 3 địa phương tổ chức lễ hội này để tạo sân chơi cho người dân địa phương, lưu giữ một nghề đặc thù. Đồng thời quảng bá tới du khách các sản phẩm nông sản của xã An Thanh như rươi, gạo hữu cơ... Hiện địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch để đưa hoạt động này trở thành một phần trong lễ hội truyền thống nhằm lưu giữ một nghề đặc thù, gắn bó với người dân nơi đây.
Đây không phải là lần đầu tiên huyện Tứ Kỳ tổ chức lễ hội nông nghiệp như thế này. Trước đó, địa phương này cũng tổ chức lễ hội lúa rươi để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng trong, ngoài nước về tiềm năng, sự đặc sắc của các sản phẩm nông nghiệp huyện Tứ Kỳ.
Bà Vũ Thị Hà - Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết: “Tháng 5/2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi cáy quy mô 137 ha ngoài bãi đê sông Thái Bình đạt chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Điều khiến lãnh đạo huyện phải trăn trở suy nghĩ là làm thế nào để doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước biết tới vùng sản xuất hữu cơ này. Cũng từ đó, ý tưởng về một lễ hội được hình thành. Lễ hội lúa rươi là điểm nhấn để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng trong, ngoài nước về tiềm năng, sự đặc sắc của các sản phẩm nông nghiệp huyện Tứ Kỳ”.
Hải Dương được coi là “phên dậu phía Đông" của kinh thành Thăng Long, nơi gắn bó với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 144 di tích được xếp hạng Quốc gia, 4 khu di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc; 8 bảo vật quốc gia và 9 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh. Đặc biệt, địa phương này còn có hàng trăm lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm. Đây được cho là một tiềm năng, thế mạnh lớn cho ngành du lịch của tỉnh và của cả vùng Đông Bắc.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, mỗi năm địa phương này có 826 lễ hội. Trong đó có 8 lễ hội ngành nghề gắn với sản phẩm hoặc nghề đặc trưng ở mỗi địa phương. Ngoài ra còn có 818 lễ hội truyền thống ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương này.
Trong số các lễ hội truyền thống của Hải Dương, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức quy mô và thu hút số lượng khách thập phương đông nhất. Theo kế hoạch, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 24/9 đến ngày 4/10 (tức ngày 10 - 20/8 âm lịch) tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc với nhiều nghi lễ truyền thống.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, điểm mới của lễ hội mùa thu năm nay dự kiến lễ khai hội được tổ chức vào buổi tối thay vì làm vào ban ngày như những năm trước. Quy mô tổ chức các hoạt động cũng sẽ đa dạng hơn, nhất là quy mô của Tuần văn hoá du lịch và xúc tiến thương mại.
Theo đó, Tuần văn hóa du lịch sẽ được tổ chức ở trên đê sông Lục Đầu và thành hai phân khu. Trong đó, có khoảng 60 gian hàng trưng bày các sản phẩm du lịch, nông sản đặc trưng, sản của các địa phương, hiệp hội, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương cùng một số tỉnh bạn. Bên cạnh đó, các phân khu sẽ thiết kế các tiểu cảnh nghệ thuật thể hiện các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Hải Dương.
“Các sự kiện trọng tâm diễn ra vào những ngày cuối tuần nên dự báo sẽ đón lượng khách lớn...”, ông Hùng cho biết thêm.
Còn theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Ban Tổ chức phải tổ chức lễ hội truyền thống mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với Tuần Văn hóa Du lịch và tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa tốt hơn nữa hình ảnh của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
“Bên cạnh việc tận dụng thế mạnh lễ hội để quảng bá về văn hóa truyền thống, các cơ quan chức năng cần tập trung xúc tiến du lịch, thương mại; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân quảng bá tiềm năng, thế mạnh với các sản phẩm đặc thù của địa phương”, Chủ tịch Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Cơ hội để phát triển du lịch
Theo bà Nguyễn Minh Phương – Du khách việt kiều Đức, Ở nước ngoài khi tổ chức lễ hội địa phương đều quảng bá cho du khách về giá trị văn hóa. Theo bà Phương, lễ hội bản địa tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Từ đó góp phần đưa hình ảnh quốc gia, địa phương đến với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, trực tiếp và sinh động. Lễ hội tiềm ẩn đằng sau du lịch là nhu cầu nội sinh thôi thúc du khách lên đường và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới.
Còn ông Phạm Văn Lợi – Đại diện Công ty CP Du lịch LKTOUR cho biết: Hải Dương là vùng đất linh kiệt, nơi đây rất giàu truyền thông văn hóa lễ hội. Để thu hút đươc du khách qua các mùa lễ hội, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong, sau lễ hội, nhất là trên nền tảng số. Trong đó tuyên truyền các giá trị nổi bật của di tích gắn với quần thể di tích. Đặc biệt, Hải Dương đang tích cực phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, các sở, ngành và địa phương hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây sẽ là cơ hội để Hải Dương vừa quảng bá xúc tiến thương mại, vừa quảng bá du lịch của địa phương.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé cho biết: “Mong rằng, với việc quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các lễ hội truyền thống, Hải Dương sẽ có thêm sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng - tâm linh đặc sắc, hấp dẫn du khách và tương xứng với tiềm năng”.
Được biết, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Hải Dương, giai đoạn 2020 – 2025, Hải Dương đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó có tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ của tỉnh; tập trung phát triển du lịch thông minh, xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu… Tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050".
Có thể bạn quan tâm