UBND tỉnh Hải Dương vừa xem xét phương án quy hoạch chi tiết CCN Hưng Long - Tân Phong (Ninh Giang), nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng (Cẩm Giàng).
>>>Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2030 có gần 16.000 căn nhà ở xã hội
>>>Hải Dương: Quyết tâm cải cách hành chính để thu hút đầu tư
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng (Cẩm Giàng), tỷ lệ 1/2000 và phương án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Hưng Long - Tân Phong (Ninh Giang).
Theo phương án quy hoạch chi tiết xây dựng CCN Hưng Long-Tân Phong, CCN này có tổng diện tích nghiên cứu hơn 77ha. Trong đó, 75ha quy hoạch CCN, còn lại là diện tích đường, hành lang đường trục Bắc - Nam. CCN này sẽ có 2 đường nội bộ nối từ đường huyện Văn Hội - Tân Quang ra đường gom đường trục Bắc -Nam. Đồng thời, quy hoạch các tuyến đường phân khu vực hình thành hệ thống giao thông nội bộ. Trên cơ sở đó bố trí các chức năng đất với 5 khu, gồm khu hành chính, dịch vụ; khu nhà máy, xí nghiệp; khu hạ tầng kỹ thuật; khu xây dựng doanh trại phòng cháy, chữa cháy; khu cây xanh tập trung.
Còn theo tờ trình phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng, tỷ lệ 1/2000, khu vực này có quy mô nghiên cứu hơn 117ha, gồm gần 113ha quy hoạch xây dựng KCN. Phần còn lại là diện tích khớp nối hạ tầng.
Về định hướng phát triển, đây sẽ là KCN tập trung, đa ngành, có hệ thống công trình xã hội công cộng tiện ích như: cơ sở lưu trú, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao, y tế, công viên cây xanh phục vụ cho công nhân, người lao động... KCN Tân Trường mở rộng sẽ có hạ tầng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, với mục tiêu thu hút đầu tư các ngành nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh; các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin; chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị; sản xuất hàng tiêu dùng...
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Sở Xây dựng về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Tân Trường mở rộng, tỷ lệ 1/2000.
Theo ông Hùng, đối với nhiệm vụ quy hoạch của đồ án về sử dụng đất, tổ chức không gian, kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải pháp bảo vệ môi trường, dự kiến thu hút đầu tư, giao PCT Thường trực UBND tỉnh Hải Dương trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và định hướng phát triển của tỉnh.
Còn đối với phương án quy hoạch chi tiết CCN Hưng Long - Tân Phong do Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn báo cáo, UBND tỉnh Hải Dương cũng cơ bản nhất trí với phương án này.
Theo ông Hùng, do chỉ tiêu đất dành cho xây dựng CCN sẽ bố trí vào giai đoạn 2026 - 2030, vì vậy, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các thành viên UBND tỉnh tại phiên họp, hoàn thiện phương án tối ưu nhất. Đồng thời, giao văn phòng UBND tỉnh Hải Dương phối hợp UBND huyện Ninh Giang tham mưu xây dựng báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương để báo cáo cấp uỷ theo quy định. Phía huyện Ninh Giang cần xem xét việc phát triển CCN trên địa bàn để có giải pháp quản lý, điều tiết phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải bảo đảm các vấn đề dân sinh, môi trường
Được biết, nằm trên hành lang kinh tế quốc tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với vị trí chiến lược và tiềm năng to lớn từ sự cộng hưởng phát triển liên vùng, trong tam giác động lực phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối liên vùng thuận lợi với các KCN, thời gian qua, Hải Dương luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Tính đến nay, Hải Dương đang đứng thứ 4 trong vùng và thứ 11 cả nước về thu hút đầu tư FDI với hơn 490 dự án FDI còn hiệu lực đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 9,2 tỷ USD; tạo việc làm cho hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp.
Hải Dương hiện có 12 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 80%. Ngoài ra, 5 KCN đang triển khai công tác GPMB với diện tích 938,35 ha. Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649 ha. Tỉnh Hải Dương hiện đã bàn giao đất cho 3 KCN mới gồm: Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 để xây dựng kết cấu hạ tầng. Dự kiến trong quý III và quý IV/ 2023, các KCN này sẽ hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 và đưa vào khai thác.
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn có 58 CCN với quỹ đất gần 3.000 ha.Trong định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hải Dương có 33 KCN với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 CCN với tổng quy mô là 3.209 ha. Quỹ đất công nghiệp dồi dào và đáp ứng đa dạng quy mô đầu tư được cho là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hải Dương để thu hút các dự án đầu tư.
Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các KCN chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái nhằm hình thành vùng công nghiệp trọng điểm thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng; chủ động phối hợp, hỗ trợ để các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm