Giải pháp nào phát triển du lịch cộng đồng tại Đà Nẵng?
Là thành phố du lịch năng động với đa dạng sản phẩm, Đà Nẵng đang có định hướng phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để tạo sức hút cho địa phương.
>>“Vực dậy” du lịch miền núi Quảng Nam
Dự ước tháng 7 năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tại Đà Nẵng đạt 2.185,2 tỷ đồng, trong đó doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 1.012 tỷ đồng, lĩnh vực ăn uống ước đạt 1.173 tỷ đồng.
“Vực dậy” sản phẩm du lịch cộng đồng
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Đà Nẵng phục vụ ước đạt 4.326,5 nghìn lượt, trong đó, khách quốc tế 1.144 nghìn lượt, khách trong nước 3.182,8 nghìn lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.986 tỷ đồng, cụ thể, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 5.420 tỷ đồng, lĩnh vực ăn uống đạt 7.566 tỷ đồng. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 7 năm 2023 ước đạt gần 782 nghìn lượt, tăng 5,3% so với tháng trước.
Những con số thống kê trên cho thấy ngành du lịch Đà Nẵng đã dần phục hồi và lượng khách đến địa phương đang tăng mạnh trở lại. Để tạo thêm điểm nhấn thu hút khách du lịch, địa phương này đã lên kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm, giáo dục,... tại khu vực phía Tây, cụ thể là huyện Hòa Vang.
Trong đó, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang là địa nhận được nhiều sự lựa chọn trải nghiệm với khách du lịch bởi nơi đây còn giữ được nhiều nét của văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hơn nữa, tại đây có văn hóa truyền thống của người Cơ tu, còn giữ được bản sắc riêng như dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, múa hát truyền thống…
Theo tìm hiểu, hiện xã Hòa Bắc có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái, 16 điểm du lịch cộng đồng và lưu trú phục vụ khoảng 30.000 lượt du khách mỗi năm. Việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây vừa tạo sinh kế người dân vừa bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa của đồng bào Cơ tu.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa thời gian qua đã có nhiều đơn vị đầu tư thí điểm phát triển du lịch cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo các nhà Gươl truyền thống làm trung tâm. Ngoài ra, địa phương cũng đã triển khai nhiều dự án nâng cao năng lực cộng đồng, đẩy mạnh việc phục dựng khôi phục các lễ hội truyền thống các hoạt động văn hóa truyền thống, mở lớp dạy khôi phục làng nghề để người dân triển khai làm du lịch cộng đồng.
“Du lịch hiện đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân tại xã Hòa Bắc nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung. Hiện tại, trên toàn huyện có 8 địa điểm du lịch cộng đồng tập trung tại 3 cụm: Tà Lang - Giàn Bí – Nam Yên (Hòa Bắc), cụm Túy Loan-Thái Lai (Hòa Nhơn), cụm Trung Nghĩa-Đông Sơn-Hòa Trung (Hòa Ninh). Du lịch cộng đồng không chỉ làm kinh tế, còn phát huy văn hóa của địa phương, góp phần làm đa dạng thêm cho ngành du lịch Đà Nẵng”, ông Dũng cho hay.
Trong một chuyến khảo sát mới đây, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel đánh giá vùng Hòa Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng và đang dần nhận được nhiều sự quan tâm của khách quốc tế. Theo ông Tư, tại địa phương này ngoài những giá trị mang đậm bản sắc thì còn có thể phát triển thêm các sản phẩm du lịch mạo hiểm, chèo sup, khám phá rừng,... để đa dạng sản phẩm.
“Đạp xe tại Hòa Bắc cũng mang lại nhiều trải nghiệm rất thú vị, có lẽ cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để du lịch tại đây thực sự phát triển. Đây là một vùng đặc biệt của Đà Nẵng, cách xa đô thị nên sản phẩm du lịch cũng cần phát triển theo hướng riêng biệt”, ông Tư nhìn nhận.
Hướng đến du lịch bền vững
Thông tin từ ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang thì địa phương đang theo định hướng làm du lịch cộng đồng trên nền tảng có pháp lý. Ông Hùng đánh giá hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương thời gian quan đã thể hiện được sự gắn kết, nhất là bảo vệ được hệ sinh thái, tạo sự gắn kết giữa xã hội, con người và hệ sinh thái tự nhiên.
“Hòa Vang đã chọn du lịch cộng đồng hướng đi đúng, tiến đến phát triển bền vững. Đây là loại hình phù hợp với nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa”, Bí thư Hòa Vang nói.
Thông tin từ ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang địa phương đã cấp phép cho 6 mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Trong định hướng sắp tới, vị này cho hay địa phương sẽ vận động người dân đầu tư phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, cung cấp sản phẩm nông nghiệp trong chương trình OCOP, sản phẩm du lịch gắn với chương trình nông thôn mới,...
“Chúng tôi cũng sẽ truyền thông quảng bá, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và các đơn vị lữ hành để kết nối đưa khách du lịch đến Hòa Vang. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu của du khách”, ông Tân cho biết.
Theo ý kiến của đa số doanh nghiệp, cần có thêm các chính sách về khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân phát triển du lịch homestay, vườn rừng, sản xuất hàng lưu niệm thông qua việc hỗ trợ vốn. Đồng thời, ngành du lịch cũng xem xét hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dệt, đan lát, thủ công mỹ nghệ của địa phương, hỗ trợ người dân làm du lịch trong nâng cao năng lực nghiệp vụ du lịch và địa phương cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn tại các khu điểm du lịch để tạo sự thuận lợi trong kết nối tour, tuyến du lịch,…
Có thể bạn quan tâm
Thạch Lập: Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phát triển du lịch cộng đồng
15:15, 05/08/2023
Quảng Ninh: Thí điểm du lịch cộng đồng từ các làng dân tộc thiểu số
02:30, 04/08/2023
Độc đáo du lịch cộng đồng từ các làng dân tộc thiểu số
02:00, 22/07/2023
Du lịch cộng đồng cần sự kết nối
04:00, 11/07/2023
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững
03:10, 05/07/2023