Cần phân định rõ vai trò của những người làm du lịch cộng đồng để tạo bước đột phá cho du lịch trong tương lai. Đây là hướng đi phát triển du lịch bền vững.
>>Thái Bình: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp
Đây là lời nhận định của ông Nguyễn Viết Hanh – CEO Công ty Du lịch TED Việt với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, xu hướng du lịch cộng đồng đang phát triển như thế nào trong thời gian gần đây?
Như chúng ta đã biết, sau đại dịch, phần lớn nhu cầu du lịch được thay đổi sang mục đích nghỉ ngơi nhiều hơn, thư giãn, rèn luyện tâm trí và sức khỏe nhiều hơn. Du khách cũng có sự lựa chọn thông minh hơn về các chuyến đi đến những vùng quê, khu dân cư có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, những nơi hoang sơ, trong lành hơn… Nhiều năm qua du lịch cộng đồng đã phát triển. Song, phát triển một cách thực sự thì chưa bao giờ được quan tâm và ưa chuộng như thời gian gần đây.
Mô hình du lịch cộng đồng ở các bản làng góp phần đánh thức, khôi phục và khai thác đúng cách kho tàng văn hóa. Đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, hạn chế việc làm nương làm rẫy, tránh săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Khi phát huy tối đa được giá trị, tất cả mọi người đều có được những lợi ích nhất định, từ người dân địa phương và doanh nghiệp được hỗ trợ để phát triển nhờ du khách. Chiều ngược lại, du khách cũng nhận được những trải nghiệm thú vị và khi trở về nhà sau chuyến đi sẽ là sự hài lòng và yêu mến điểm đến.
>>Nam Định: Liên kết để phát triển du lịch
>>Cà Mau đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du lịch cộng đồng càng giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác, chân thực của văn hoá bản địa thì càng có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất giá trị của nó.
- Làm thế nào để du lịch cộng đồng hiện nay phát triển một cách đúng nghĩa thưa ông?
Du lịch cộng đồng đang có vai trò nhất định trong việc phát triển du lịch địa phương và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng. Hơn hết, người làm du lịch cộng đồng và tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch đẹp. Đặc biệt, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc các đồng bào dân tộc thiểu số qua các lễ văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của hội, trang phục, ẩm thực...
Tuy nhiên, cần có những sản phẩm mới mang tính độc đáo không bị sáo mòn và phải tăng thêm trải nghiệm trong mỗi hành trình của du khách. Điều này có nghĩa là các địa phương có định hướng rõ ràng, hiểu rõ được giá trị của cộng đồng mình. Mặt khác, các cơ quan trung ương và địa phương cần có những tư vấn và hỗ trợ xây dựng các cộng đồng du lịch đạt chuẩn, mang lại giá trị cho cộng đồng và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới.
- Theo ông cộng đồng địa phương cần những điều kiện nào để có thể tạo ra những sản phẩm mới không sáo mòn?
Trước hết, chúng ta gọi là du lịch cộng đồng tức là có sự tham gia của “cộng đồng” trong đó. Nghĩa là cần phát huy tối đa được nguồn lực cộng đồng chính là sự tham gia của dân cư địa phương. Và đó cũng chính là cái khó của làm du lịch cộng đồng. Cần nâng cao trình độ của cư dân, trong cộng đồng, để định hướng cộng đồng bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái...
Thứ hai, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan công quyền với cộng đồng làm du lịch và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức và tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Hiện nay chúng ta có rất nhiều làng du lịch cộng đồng từ Quan Lạn, Vân Đồn - Quảng Ninh, tiếp đó tới Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, đến Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… Nhiều làng du lịch cộng đồng này đang được đánh giá cao về sự phát triển vì cộng đồng địa phương.
Thứ ba, cần lựa chọn ra giá trị để khai thác chỗ, phát triển văn hoá, tôn trọng văn hóa để có thể xây dựng và làm du lịch một cách bài bản, hạn chế tối đa các trào lưu du nhập làm biến tướng các giá trị văn hóa vốn có của cộng đồng. Du lịch cộng đồng có thể giúp tái xây dựng sinh kế của người dân địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo sự cân bằng và tính bền vững về tài chính và xã hội.
Xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng có thể đảm bảo một bước đột phá cho ngành du lịch trong tương lai nhưng việc cần thiết và quan trọng nhất vẫn là cần phân định rõ vai trò của những người làm du lịch cộng đồng để tạo bước đột phá cho du lịch trong tương lai. Đây là hướng đi phát triển du lịch bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp
00:34, 03/07/2023
Nam Định: Liên kết để phát triển du lịch
02:00, 02/07/2023
Cà Mau đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
01:30, 01/07/2023
“Độc chiêu” hút khách du lịch
15:19, 29/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An
04:00, 29/06/2023