Thái Bình lợi thế với những cánh đồng trải dài thẳng cánh cò bay, và hệ thống rừng ngập mặn đa dạng, phong phú, với các đầm nuôi trồng thủy sản, nhiều làng nghề nổi tiếng và làng vườn đặc sắc.
>>>Để du lịch Thái Bình thật sự "cất cánh"
Tất cả đã tạo lên cho Thái Bình nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm sinh thái.
Tiềm năng sẵn có
Thái Bình có 105.755ha đất nông nghiệp màu mỡ với những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay. Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống rừng ngập mặn đa dạng, phong phú với các đầm nuôi trồng thủy sản, nhiều làng nghề nổi tiếng và làng vườn đặc sắc; nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt cùng hàng trăm lễ hội truyền thống được bảo tồn, lưu giữ và phát triển…
Theo lãnh đạo Hội Du lịch Thái Bình: Với nền nông nghiệp trù phú, Thái Bình có nhiều thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp thông qua những chuyến du lịch cộng đồng, trải nghiệm, du khảo đồng quê. Đặc biệt trong tương lai, gắn liền với một nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ là những vùng chuyên canh, những cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường cùng những sản phẩm nông nghiệp sạch, được sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại. Điều này sẽ góp phần kích cầu cho du lịch nông nghiệp phát triển.
Được biết, thời gian qua một số Công ty du lịch đã tổ chức một tour du lịch tham quan trải nghiệm đến những làng quê có làng nghề truyền thống như: Chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, thêu Minh Lãng, vườn Bách Thuận, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới,…và tại các khu, điểm du lịch cuối tuần kết hợp sinh thái.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, 40 tuổi– Du khách Hà Nội chia sẻ: Di chuyển giữa các điểm đến bằng xe đạp là một ý tưởng khá mới lạ và thú vị mà chúng tôi được trải nghiệm. Nó không chỉ thân thiện với môi trường, giúp tăng cường sức khỏe mà còn mang lại cho chúng tôi một chuyến hành trình khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của một làng quê với nhiều cung bậc cảm xúc. Theo chị Phương, bên cạnh du lịch bằng xe đạp, du khách cũng được mua sản phẩm ngay tại điểm đến.
Theo ông Trần Trọng Toàn - chủ vườn bưởi tại xóm 9, thôn Bách Tính, xã Bách Thuận cho biết: Nhà tôi có hơn 1 mẫu vườn, trồng toàn bưởi diễn. Sau khi du khách đến tham quan vườn trái, họ được ăn thử bưởi ngay tại vườn. Mọi người thấy ngon nên mua về rất nhiều. Tôi thu được lợi tức ngay tại vườn nhà mà không phải qua khâu trung gian hay mất công vận chuyển nên rất phấn khởi.
Còn ông Nguyễn Văn Bền, một chủ vườn hoa tại thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận chia sẻ: Nhà tôi có 4 sào vườn, trồng các loại hoa, trong đó chủ yếu là hoa thược dược. Bình thường tôi vẫn chở hoa đi giao cho các sạp hoa hay chợ ở Nam Định. Vì vận chuyển xa nên hoa dễ bị dập nát dẫn đến giá bị giảm. Khi công ty du lịch đưa khách về thăm vườn, họ hào hứng chụp hình, nhiều người thấy hoa đẹp thì đặt bó mang về. Giá bán cũng được tính đúng như giá thị trường mà vẫn lãi, hoa hái tại vườn nên giữ được sắc tươi, đẹp.
Theo Hội Du lịch Thái Bình: Tạo thu nhập cho người nông dân ngay trên đồng đất, vườn nhà chỉ là một trong những lợi ích mà du lịch nông nghiệp mang lại. Điều quan trọng là khi người dân nhận thấy được lợi ích, tự nhiên họ sẽ là nguồn lực xã hội hóa to lớn trong việc giúp sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và phát triển du lịch tại địa phương.
Đồng thời, chính họ cũng có thể là những hướng dẫn viên không chuyên ngay tại điểm đến để quảng bá văn hóa địa phương đến với du khách. Với điểm cộng về bản tính thật thà, thân thiện, mến khách, ham học hỏi thì việc người dân Thái Bình làm du lịch nông nghiệp là điều không khó nếu những nhà quản lý và người làm du lịch biết tận dụng, khai thác thế mạnh này.
Theo ông Phạm Lợi – Công ty Liên minh Tour Xanh cho biết: Trên thực tế, nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc đã biết khai thác những sản phẩm nông nghiệp cũng như người dân bản địa để làm du lịch một cách hiệu quả như: ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Yên Bái, đồi chè Mộc Châu - Sơn La, vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định hay những sản phẩm du lịch ẩm thực như cơm niêu, cá kho Hà Nam, cơm cháy Ninh Bình…
Theo ông Lợi, để du khách biết đến Thái Bình có những điểm đến nào? Mỗi điểm đến có gì độc đáo, thì rất cần sự liên kết của các công ty lữ hành. Thêm nữa người dân bản xứ chính là “bản sắc văn hóa” sống của một địa phương. Các địa phương cần phải tuyên truyền giúp người dân hiểu về du lịch, cách làm du lịch, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử để mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên không chuyên ngay tại điểm đến.
Để du lịch nông nghiệp thật sự "cất cánh"
Thái Bình xác định, phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030 gắn với du lịch, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Cụ thể, Phát triển du lịch đạt tốc độ nhanh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng về văn hóa, sinh thái và biển, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá của Thái Bình, thân thiện với môi trường.
Được biết, trong “Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Thái Bình đã xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp thu hút khách du lịch, tăng tỷ trọng khách lưu trú, tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Bảo đảm tốc độ tăng trưởng trung bình: Khách quốc tế: 10 - 12%/năm (2021 - 2025) và 8 - 10%/năm sau năm 2025. Khách nội địa: 13 - 15%/năm (2021 - 2025) và 10 - 12%/năm sau năm 2025. Đến năm 2025 đón được khoảng 1.650 nghìn lượt khách, trong đó có 12 nghìn lượt khách quốc tế. Đến năm 2030 đón được 2.416 nghìn lượt khách, trong đó có 16 nghìn lượt khách quốc tế.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình: Phát triển sản phẩm chất lượng cao đi đôi với đa dạng hóa sản phẩm du lịch như Khu du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, Cồn Đen, Cồn Vành, Cồn Thủ để làm động lực phát triển du lịch toàn tỉnh. Phát triển huyện Hưng Hà trở thành địa bàn trọng điểm du lịch. Phát triển hoàn chỉnh các tuyến du lịch chính của tỉnh theo đường bộ, tuyến du lịch đường sông (theo sông Trà Lý).
Xây dựng sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, lễ hội và tâm linh Chùa Keo thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, từng bước hình thành thương hiệu du lịch tỉnh. Đến năm 2030, hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái theo định hướng phát triển không gian du lịch góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Thái Bình.
Còn theo ông Nguyễn Minh Phương – PGĐ Viettavel HP chia sẻ: “Người dân nơi đây cũng rất có ý thức phát triển du lịch xanh thông qua việc xây dựng các cơ sở lưu trú rất chu đáo, sạch, đẹp. Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này, các hộ gia đình cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị có kinh nghiệm làm du lịch cũng như chính quyền địa phương”.
Theo ông Phương, mỗi một hộ gia đình cần dựa vào những đặc điểm riêng của mảnh đất của mình để phát triển du lịch, không sao chép các hộ gia đình khác để tạo điểm nhấn, tạo phong cách riêng.
Được biết, thời gian tới, Thái Bình sẽ tập trung khai thác thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Trong đó, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch về nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, là ưu tiên lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước. Xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.
Có thể bạn quan tâm