3 nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội của TP.HCM phục hồi mạnh mẽ
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá có 3 nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội TP.HCM phục hồi mạnh mẽ.
>>>TP.HCM: Nhiều giải pháp cụ thể phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong quý 1/2022, kinh tế - xã hội TP.HCM có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng quý 1 của TP.HCM đạt 1,88%, đây là kết quả rất đáng mừng; thu ngân sách đạt 31,3% dự toán năm. Để có được kết quả trên, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, về triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các chương trình hành động của các bộ, ngành, đã triển khai kịp thời đồng bộ, quyết liệt, nhờ đó có tác động tích cực cho phục hồi và phát triển.
Thứ hai, sự điều hành của UBND TP.HCM, các sở ngành và hệ thống chính trị TP.HCM rất quyết liệt, đồng bộ.
Thứ ba, sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân TP.HCM là yếu tố quan trọng giúp cho nội lực của kinh tế TP.HCM phát triển.
Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, TP.HCM vẫn còn những khó khăn, hạn chế như tổng mức bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng vẫn còn giảm, cho thấy sức mua chưa phục hồi hoàn toàn. Chỉ số tiêu dùng bình quân tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là yếu tố cần được quan tâm.
Tổng vốn thu hút FDI cũng như vốn thành lập doanh nghiệp mới đều giảm. Điều này đòi hỏi phải xem lại các vấn đề về môi trường kinh doanh, giải pháp, điều kiện thu hút đầu tư mới, kể cả trong nước và FDI. Một số ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, xây dựng hay một số ngành dịch vụ quan trọng như du lịch vẫn phục hồi chậm, chưa đạt ngưỡng trước dịch.
Giải ngân đầu tư công TP.HCM nằm trong nhóm thấp của cả nước do TP.HCM triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 chậm. Đây là khuyết điểm của UBND TP.HCM.
Về nhiệm vụ trong quý 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ tập trung vào 6 trọng tâm:
Một là, kiểm soát dịch COVID-19: Giám sát dịch không để bùng phát mất kiểm soát, tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là ở cơ sở; cập nhật lại các bộ tiêu chí thích ứng an toàn với dịch, tạo nền cho phục hồi kinh tế; tập trung tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em 5-11 tuổi khi có vaccine.
>>>TP.HCM: Phấn đấu 100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử trước 30/6!
Hai là, tập trung các giải pháp để khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra, trong đó tập trung hỗ trợ các ngành chủ lực như điện tử, xây dựng, phát triển du lịch; triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, trong đó triển khai các gói tài khóa, tiền tệ, phát huy hoạt động của các tổ công tác tháo gỡ khó khăn để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Bốn là, tập trung các giải pháp để phát triển du lịch khi mở cửa du lịch quốc tế.
Năm là, phát triển khu vực logistics.
Sáu là, triển khai các giải pháp bình ổn giá thị trường, bảo đảm việc ổn định giá.
Về mặt xã hội, TP.HCM sẽ triển khai chiến lược an sinh xã hội như chương trình nhà ở, chăm sóc sức khỏe tinh thần sau COVID-19, chương trình chăm lo cho các đối tượng dễ bị tổn thương. TP.HCM đánh giá, với lạm phát, bão giá sắp tới, đặc biệt là hậu COVID-19, chắc chắn đối tượng tổn thương sẽ gia tăng.
Cùng với đó, TP.HCM tập trung vào các dự án hạ tầng như hoàn thiện hồ sơ đường vành đai 3 để trình Quốc hội vào tháng 5; hoàn thiện hồ sơ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để trình cơ quan thẩm quyền trong quý 2; đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị Metro số 1 để có thể chạy thử vào cuối năm 2022 và chạy thương mại vào năm 2023; chuẩn bị hồ sơ để khởi công một số tuyến metro mới; đẩy nhanh tiến độ dự án chống ngập. Trong quý 2 sẽ trình Thủ tướng nhiệm vụ quy hoạch cấp tỉnh TP.HCM, hồ sơ quy hoạch chung TP Thủ Đức; phê quyệt quy hoạch chung TP Thủ Đức, đấu thầu tư vấn làm quy hoạch chung TP.HCM.
“Vừa qua, sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ ngành rất tốt. TP.HCM đề nghị trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh tiến độ công việc. Về đầu tư công, TP.HCM đã giao trách nhiệm cho thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, các chủ đầu tư lập kế hoạch tiến độ, xác định các trọng tâm và vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, từ tháng 4, TP.HCM sẽ tiến hành giao ban về đầu tư công hàng tháng để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, kể cả giao ban với các nhà tài trợ, các chủ đầu tư, các dự án ODA”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Nhiều giải pháp cụ thể phục hồi chuỗi sản xuất và cung ứng
20:04, 05/04/2022
Thị trường căn hộ Hà Nội, TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới
20:00, 03/04/2022
TP.HCM: Đẩy nhanh chuyển đổi hoá đơn điện tử trước 30/6
02:05, 03/04/2022
TP.HCM: Phấn đấu 100% doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử trước 30/6!
05:00, 02/04/2022
Dấu ấn của Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình
12:17, 30/03/2022
TP.HCM: Sẽ không lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển!
14:08, 25/03/2022
Nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo tại TP.HCM còn rất lớn
15:19, 23/03/2022