Liên minh kích cầu du lịch: Đừng như con bướm, đậu rồi lại bay!
Giữa tâm bão COVID-19, sự ra đời của Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam bên cạnh những cái tích cực hiển hiện cũng đặt ra cho nhiều người câu hỏi, tại sao cứ phải lúc khó mới “mó” đến nhau.
Đầu năm 2020, trận ôn dịch COVID-19 đã phủ đám mây đen u ám lên ngành du lịch “đang trưởng trành” từ rất lâu mà chưa chịu lớn của Việt Nam. Chưa đầy hai tháng bùng phát, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành du lịch gồm lữ hành, vận chuyển, lưu trú và dịch vụ tại Việt Nam đang từng ngày “thấm đòn” khó khăn từ COVID-19.
Những con số như 50% sụt giảm tỷ lệ lấp buồng khách sạn và 60% khách quốc tế, 80% khách nội địa được dự báo sẽ sụt giảm trong tháng 2 và 3/2020 là những minh chứng cho một giai đoạn khó khăn mới chỉ bắt đầu.
Trong bối cảnh đó, Liên minh kích cầu Du lịch Việt Nam năm 2020 được ra mắt mà “đầu tàu” là Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã huy động được sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước được kỳ vọng sẽ sớm đưa ngành du lịch vượt bão.
Với những ưu đãi “khủng” mà sự “hiệp lực” lần này tạo ra được kỳ vọng sẽ sớm thực hiện được nhiệm vụ ngắn hạn là từng bước khôi phục hoạt động của ngành, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đi du lịch. Với nhiệm vụ dài hạn là luyện tập “kỹ chiến thuật” đối phó với các thiên tai, dịch họa về sau cho ngành du lịch thì còn phụ thuộc vào thời gian tồn tại của Liên minh.
Còn nhớ, thời điểm năm 2009, du lịch Việt Nam cũng từng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1. Khi đó, Tổng cục Du lịch cũng đã thành lập nhóm kích cầu triển khai nhiều giải pháp và nhờ đó, ngành du lịch đã vượt qua những khó khăn khá nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, khi mọi thứ trở lại bình thường thì dường như đội nhóm kích cầu lại “việc ai người ấy làm”, sự liên kết được hình thành trong hoạn nạn và đã phát huy hiệu quả lại không duy trì được lúc khó khăn đi qua.
Điều này cũng gợi lên câu hỏi liệu có hay không một “thói xấu” mà các doanh nghiệp Việt đang mắc phải là chỉ có lúc khó khăn mới "mó" đến nhau?
Sự liên kết một cách mật thiết và liên tục ngày càng trở thành kim chỉ nam thành công của không chỉ ngành du lịch trong nền kinh tế không biên giới hiện nay khi mà “muốn đi nhanh thì đi một mình còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
Trước mắt, vấn đề đặt ra là sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng của các thành viên trong liên minh như thế nào để đạt được mục tiêu chung. Xa hơn câu hỏi đặt ra là liệu Liên minh Kích cầu Du lịch có duy trì được hoạt động sau khi dịch bệnh qua đi và mọi thứ trở lại bình thường?
Liên kết cùng phát triển không phải là câu chuyện mới, bên cạnh việc các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành du lịch phải “tự tìm thấy nhau” thì cũng cần phải nhắc đến vai trò tập hợp, định hướng của một cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp lữ hành đề xuất hai "trợ lực" kích cầu du lịch
08:20, 22/02/2020
“Hồi sức” cho du lịch
05:00, 22/02/2020
Du lịch Việt lách qua khe cửa hẹp
10:53, 20/02/2020
[COVID -19]: "Quảng Nam - điểm đến an toàn" cho khách du lịch
10:29, 20/02/2020
Làm thế nào để du lịch ĐBSCL thoát cảnh "chợ chiều"
15:51, 19/02/2020
Doanh nghiệp du lịch “tích cực” đối phó dịch COVID-19
00:00, 18/02/2020
Doanh nghiệp du lịch điêu đứng vì COVID-19
16:30, 14/02/2020
Nhìn ra khu vực, Thái Lan vốn được xem là hình mẫu về thành công trong phát triển ngành công nghiệp du lịch, khi năm 2018 nước này đã đón đến hơn 38 triệu khách nước ngoài và số liệu năm 2019 là khoảng 41,1 triệu lượt khách với doanh thu ước hơn 70 tỷ USD.
Đứng sau những thành công đó phải kể đến vai trò quan trọng của Ủy ban du lịch Thái Lan (TAT - Tourism Authority of Thailand) được thành lập từ năm 1979 và cơ quan này luôn đưa ra các phương hướng hành động cho mỗi năm, giúp du lịch Thái Lan cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa và môi trường từ đó tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp liên quan.
Không chỉ vậy, TAT cũng là linh hồn của những chiến dịch “giải cứu” ngành du lịch Thái Lan khi gặp khủng hoảng. Năm 2008, khi xảy ra những bất ổn chính trị, cơ quan này đã chứng tỏ khả năng bảo vệ những "thượng đế" của mình.
Nhiều tuyến phố được cảnh báo không được đến gần, nhân viên khách sạn ra sức nhắc nhở khách du lịch về sớm trước 21h, nhiều chỗ ở tạm được cung cấp miễn phí cho những du khách bị kẹt… là những ấn tượng khi đó đã giúp du khách tin tưởng vào chính quyền và sẵn sàng quay lại.
Thời điểm giữa năm 2019, khi bắt đầu có những sự “tụt áp” nhất định của thị trường du lịch, TAT cũng là cơ quan tham mưu đưa ra đề xuất gói kích thích gồm miễn giảm thuế đối với chi tiêu cho du lịch nội địa và miễn thị thực cho khách du lịch từ Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 15 ngày. Du khách đến từ 18 nước khác cũng sẽ được miễn phí thị thực trị giá 2.000 baht (65 USD, khoảng 1,5 triệu đồng).
Đặc biệt, ngay giữa thời điểm nỏng bỏng nhất của dịch COVID-19, TAT cũng là cơ quan xúc tiến việc ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ xúc tiến du lịch toàn diện giữa Hiệp hội Liên minh Du lịch Thái-Trung và Hiệp hội Du lịch Khao Yai (ngày 22/2/2020) nhằm giải quyết bài toán tăng trưởng và phát triển du lịch.
Vấn đề là, Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam sẽ tồn tại song song với các doanh nghiệp du lịch để làm nhiệm vụ kết nối không chỉ trong lúc khó khăn này. Chứ không nên chỉ "lâm thời", xong việc, nhà ai nấy về!