Đó là giải pháp của Hiệp hội du lịch ĐBSCL đưa ra để cứu ngành cứu du lịch thoát khỏi cảnh “chợ chiều” do dịch cúm COVID-19.
An toàn nhưng vẫn bị hồ nghi
Đến thời điểm này cả nước chỉ mới có 16 ca nhiễm COVID-19 nhưng đã có 11 ca đã được điều trị khỏi. Vùng ĐBSCL đến nay vẫn an toàn, các nguồn lây truyền bệnh đang được kiểm soát chặt chẽ. Mặc dầu thế nhưng với tâm lý thận trọng qua mức mà hơn 50% khách du lịch đã hủy tour du lịch đến đây làm cho ngành du lịch đang rất khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
06:35, 22/06/2017
16:54, 27/03/2018
16:31, 01/11/2019
17:25, 29/11/2019
Tại Cần Thơ - Thủ phủ miền Tây tình hình cũng không khả quan, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ sau khi dịch COVID-19 được công bố ngành du lịch Cần Thơ đã bị tác động rất mạnh. “Khi có thông tin như vậy, khách đặt tour đến Cần Thơ đã hủy rất nhiều”. Ông Tuấn dẫn số liệu cập nhật từ các đơn vị lữ hành trên địa bàn cho biết, thời điểm cuối tháng 1-2020, tức trước khi công bố dịch, có khoảng 50% lượng khách hủy tour đã đặt trước đó, thì sang tháng 2/2020, lượng khách hủy tour lên đến khoảng 90%.
“Tại các khu du lịch lớn của huyện Phong Điền như Mỹ Khánh, Vàm Xáng, Cồn Sơn, Lung Cột Cầu…, lượng khách đến chỉ bằng 20- 30% so với cùng kỳ. Tại khu du lịch Mỹ Khánh, lượng khách hiện chỉ còn 100-200 lượt/ngày, trong khi cùng kỳ là 500-1000 người/ngày”, ông Trần Minh Luân, Phó giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh cho biết như trên.
“Làng du lịch Ông Đề- huyện Phong Điền tuy vẫn duy trì số lượng khách khá nhưng gần đây lượng khách đã giảm mạnh vì đối tượng chính là học sinh, sinh viên được nghỉ học dài ngày nên đã về quê hết mà không đến với điểm du lịch”, Giám đốc Làng du lịch Ông Đề, Lê Hải Phúc, cho biết.
Tại các địa phương lân cận như tỉnh An Giang: vào dịp Tết Nguyên Đán An Giang thu hút hơn 800.000 lượt khách. Thế nhưng, hiện nay do ảnh hưởng dịch cúm COVID-19, lượng khách cũng đã giảm 50-60% so với cùng kỳ, một giám đốc Công ty du lịch ở An Giang cho biết.
Tại Bạc Liêu tình hình cũng không khá gì hơn các tỉnh khác của vùng ĐBSCL, ông Thái Quốc Lưu, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu cho biết kế hoạch năm năm 2020, địa phương phấn đấu thu hút 3,5 triệu lựợt du khách. Thế nhưng, đầu năm nay tình hình dịch cúm COVID-19, ngành du lịch cả nước nói chung rất khó khăn, hủy tour, hủy chuyến lên đến 80-90%, điều này rất buồn cho ngành du lịch nhưng đó là tình hình chung.
Kích cầu ngay khi chưa công bố hết dịch
Tại cuộc họp ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp về những khó khăn trong sản xuất kinh doanh do UBND TP.Cần Thơ tổ chức mới đây, đại diện các công ty du lịch, lữ hành đồng loạt kiến nghị: trong giai đoạn chống dịch và đến khi VN công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch COVID-19, Chính phủ cần tăng cường các hoạt động quảng bá ở thị trường trọng điểm, không nên để tình trạng hủy, hoãn tour kéo dài, ngưng trệ thị trường.
Tổng cục Du lịch và Bộ VH-TT-DL cần tổ chức một chiến dịch quảng bá những điểm đến an toàn của VN, không nên để tình trạng một vài địa phương có ca nhiễm COVID-19 làm ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, cho biết: Hiệp hội du lịch Việt Nam sẽ thành lập Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam với sự tham gia của 4 địa phương là Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk để sớm khôi phục hoạt động du lịch sau những tác động của dịch bệnh COVID-19.
Hiệp hội du lịch ĐBSCL cũng đang phát động thành lập liên minh kích cầu du lịch với sự tham gia liên kết các vùng miền chưa phát hiện ca nhiểm virus Corona nào như vùng ĐBSCL.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCLTrần Việt Phường, cho biết: “Tình hình du lịch tại ĐBSCL hiện nay rất khó khăn, đây cũng là tình hình chung của cả nước và Quốc tế do ảnh hưởng nặng từ dịch cúm COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc. Theo chúng tôi biết, tại Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL tình trạng hủy tour, tuyến diễn ra rất nhiều, chiếm đến 80-90 %. Trước mắt các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn và du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tuy chưa đến thời điểm công bố hết dịch nhưng chủ trương của Hiệp hội là không chờ hết dịch mà sẽ có kế hoạch phối hợp giữa Hiệp hội du lịch ĐBSCL và Hội du lịch TP Hồ Chí Minh kích cầu và vực dậy ngành du lịch. Chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu có chính sách cho vay, giản nợ, giảm lãi suất để các doanh nghiệp kinh doanh Nhà hàng, khách sạn, du lịch vượt khó”.