Hạ tầng giao thông yếu kém đã kìm hãm sự phát triển của khu vực, trong đó có phát triển về du lịch.
Đó là ý kiến được nhiều vị đại diện cho các địa phương, Công ty du lịch, các hãng lữ hành đặt ra tại “Diễn đàn phát triển du lịch ĐBSCL” diễn ra vào ngày 29/11 trong khuôn khổ Hội chợ du lịch Quốc tế Cần Thơ 2019.
Thay mặt cho các tỉnh, thành trong vùng, bà Võ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ kiến nghị: "Để vực dậy tiềm năng kinh tế cho khu vực nói chung và phát triển du lịch nói riêng, các địa phương trong vùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành nguồn ngân sách nhiều hơn trong phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực; Hỗ trợ các chính sách tăng chuyến bay đi đến sân bay quốc tế Cần Thơ; Đầu tư cảng biển vừa phục vụ vận chuyển hàng hóa, đồng thời kết nối du lịch bằng đường biển, đường sông; Có chính sách đất đai phù hợp để nhà đầu tư yên tâm cho phát triển du lịch; Có chính sách đầu tư cho đào tạo nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là trao dồi kỹ năng ngoại ngữ; Thành lập hội đồng phát triển du lịch tại ĐBSCL; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch”.
Về kiến nghị cụ thể, bà Võ Xuân Thư - Giám Đốc khu vực ĐBSCL, Tập Đoàn Thiên Minh cho biết, điểm nghẽn trong phát triển du lịch tại ĐBSCL không chỉ hạ tầng giao thông yếu kém mà nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng nhu cầu; việc quảng bá, tiếp thị du lịch được thực hiện riêng lẻ, chưa có sự hợp tác của vùng với Trung tâm du lịch TP HCM.
“Để phát triển ngành du lịch rất cần có những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có nêu giải pháp điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ sở lưu trú vẫn chưa được áp dụng ưu đãi này. Các cơ sở lưu trú vẫn phải đang trả tiền điện theo giá điện kinh doanh. Và đặc biệt là năm 2018 đến năm 2019 giá điện tăng thêm 8.4% với mức giá 4.251 đồng/Kwh cho giờ cao điểm, cao hơn 30% so với giá điện sản xuất. Với đặc thù kinh doanh các cơ sở lưu trú thường phải sử dụng vào giờ cao điểm. Đây là một gánh nặng chi phí cho các cơ sở lưu trú”, bà Thư kiến nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đã đạt nhiều kết quả vượt bậc. Năng lực cạnh tranh và xếp hạng quốc gia của du lịch Việt Nam từng bước được cải thiện và nâng cao trên mọi phương diện. Nhiều rào cản, quy định điều kiện kinh doanh bất hợp lý được bãi bỏ, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch.
Nếu như mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế thì ngay trong năm 2016, chúng ta đã đạt mục tiêu này.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đón trên 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng 29,1% so với năm 2016), phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 18,1%); tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp ước đạt 7,9% vào GDP.
Năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón 15,5 triệu lượt khách (tăng 19,9% so với năm 2017), phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng (tăng 21,4% so với năm 2017), đóng góp trực tiếp ước đạt 8,5% vào GDP.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 15 triệu lượt khách quốc tế (tăng 13,0% so với cùng kỳ năm 2018), phục vụ 72,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có 36,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 575.200 tỷ đồng (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018).
Có thể bạn quan tâm
00:34, 21/11/2019
00:00, 15/11/2019
16:31, 01/11/2019
Về chiến lượt tổng thể phát triển du lịch khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã có phê duyệt, trong đó điểm nhấn xuyên suốt là “Phát triển du lịch thích ứng với các diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, mực nước biển dâng và các biến động bất thường về thủy văn sông Mê kông”.
Về liên kết hợp tác phát triển du lịch, Bộ thống nhất đề xuất của các địa phương về thành lập hội đồng phát triển du lịch, trong đó lấy Cần Thơ làm Trung tâm kết nối các địa phương trong vùng và với TP HCM. Những ý kiến đề xuất khác tại Diễn đàn này sẽ được Bộ nghiên cứu để đề xuất Chính phủ có chính sách phù hợp hơn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết số 08.