Cách ly xã hội là cấm chợ, ngăn đường...?

Trương Khắc Trà 08/04/2020 07:15

Rất nhiều nơi đang đi ngược lại với tinh thần của Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội - hạn chế tối đa tương tác giữa người với người...

Cách ly hoặc giãn cách xã hội lúc này là cần thiết để Việt Nam khỏi hứng chịu cơn thịnh nộ của cái gọi là “đỉnh dịch” - điều mà nhiều nước châu Âu như Ý, Anh, Đức bây giờ nhìn sang chúng ta bằng thái độ ngạc nhiên.

Ngạc nhiên là bởi, nhìn vào hệ thống y tế, nhân sự, cơ sở vật chất...chúng ta “mỏng” hơn rất nhiều so với các nước phát triển, những quốc gia ấy lại cách xa tâm dịch ban đầu (Trung Quốc) hàng vạn dặm...

Nhưng hệ thống chính trị tại Việt Nam đã biết chọn đúng thời điểm để siết chặt các quan hệ xã hội, đúng là chúng ta không có gì nhiều ngoài “quyết tâm chính trị” lời hiệu triệu từ Chính phủ và các đoàn thể xã hội.

Nếu nói Việt Nam chống dịch bằng “phương pháp tuyên truyền” cũng chẳng gì sai. Nhờ vào hệ thống báo chí dày đặc, phương tiện truyền thanh về tới thôn bản nên nhất cử nhất động từ Trung ương đều nhanh chóng đến tai nhân dân.

  • Có thể bạn quan tâm

    • Hiệu quả của

      Hiệu quả của "vũ khí" cách ly xã hội

      07:00, 06/04/2020

    • [COVID-19] Việt Nam sẽ không có

      [COVID-19] Việt Nam sẽ không có "đỉnh dịch" nếu làm tốt cách ly xã hội

      00:15, 07/04/2020

    • Chính phủ ban hành Văn bản hướng dẫn Chỉ thị 16 về

      Chính phủ ban hành Văn bản hướng dẫn Chỉ thị 16 về "cách ly xã hội"

      19:31, 03/04/2020

    • [COVID-19] Cách ly xã hội: Hiểu sao cho đúng?

      [COVID-19] Cách ly xã hội: Hiểu sao cho đúng?

      11:05, 01/04/2020

    • Hải Phòng: Thực hiện cách ly toàn dân nhưng không “ngăn sông cấm chợ”

      Hải Phòng: Thực hiện cách ly toàn dân nhưng không “ngăn sông cấm chợ”

      00:54, 03/04/2020

    • Hải Phòng: Có nên để người trên 60 tuổi ra đường chống dịch?

      Hải Phòng: Có nên để người trên 60 tuổi ra đường chống dịch?

      17:01, 31/03/2020

    • Hải Phòng để người trên 60 tuổi ra đường chống dịch: Đừng “giao trứng cho ác”

      Hải Phòng để người trên 60 tuổi ra đường chống dịch: Đừng “giao trứng cho ác”

      19:53, 30/03/2020

    • Cách ly người đến từ Hà Nội và TP.HCM: Có dấu hiệu lạm quyền?

      Cách ly người đến từ Hà Nội và TP.HCM: Có dấu hiệu lạm quyền?

      05:20, 08/04/2020

Việc thực hiện Chỉ thị 16 đương nhiên là có “tác dụng phụ” nó gây tắc nghẽn phần lớn hoạt động kinh tế, gây phiền hà không ít cho người buôn bán nhỏ lẻ, kể cả doanh nghiệp lớn...

Bởi thế, sáng 6/4, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.

Nhưng cũng không ít nơi xem Chỉ thị này giống như “lệnh giới nghiêm”, họ thực thi một cách cứng nhắc. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nói: “khi triển khai (Chỉ thị 16) một số địa phương làm hơi quá”.

Đây là phương pháp cách ly?

Đây là phương pháp cách ly?

Ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị, chị chủ quán cà phê gần nhà tôi thu dọn hết bán ghế, ly tách và...ngồi nhìn ra tiếc nuối mặc dù khách vẫn đến. Chị bảo, sáng hôm đó hai công an mặc quân phục hằm hằm xông vào đòi lập biên bản...cấm bán!

Khu chợ duy nhất nuôi sống cả làng cũng nhốn nháo vì lực lượng chức năng luôn thường trực ở đó, người đi chợ lấm lét mua gấp bán vội như thể buôn bán hàng quốc cấm.

Anh bạn tôi cũng xui xẻo không kém, mới mua 2 chiếc xe tải chở hàng đông lạnh hơn tỷ bạc, mới chạy được mấy chuyến đành phải trùm bạt vì bị hạn chế ra đường.

Gay gắt hơn, tại Hải Phòng còn thực hiện biện pháp “mạnh” - ngăn đường, bít đường vào chợ. Tại Quảng Ninh - chính quyền còn ghê gớm hơn, họ đắp lũy chặn đường liên xã để thực hiện lời kêu gọi “xã cách ly với xã”!?

Toàn bộ tinh thần của Chỉ thị 16 được Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cắt nghĩa rất dễ hiểu như sau: “Cách ly toàn xã hội không phải là biện pháp phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập, cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội”.

Và cũng cần phê phán, xử phạt nghiêm minh những người phớt lờ việc cách ly xã hội, gieo rắc tai họa cho cộng đồng.

Là ngăn đường, cấm chợ?

Là ngăn đường, cấm chợ?

Việt Nam phòng chống dịch thành công đến thời điểm này - không phải dựa vào mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, đó chỉ là bề nổi. Nguyên nhân sâu xa đằng sau đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trên dưới một lòng được khơi dậy đúng lúc.

Đó là gì? Là những doanh nghiệp lớn đóng góp cả trăm tỷ đồng đến bà cụ bán con gà 50.000đ để ủng hộ chính quyền trong lúc khó khăn...đấy mới là thứ mà chúng ta cần để một lần nữa chất keo đoàn kết, nhân ái của người Việt có dịp sống dậy.

“Trên nóng dưới lạnh”, “Trên nói một đằng dưới làm một nẻo” là chuyện chẳng có gì mới mẻ ở nước ta. Song, đại dịch lần này “bệnh cũ” lại có dịp tái phát.

Trong muôn vàn phép trị quốc, “CẤM” là phương pháp dễ thực hiện nhất, đó là “PHÁP TRỊ” tuy thành công nhanh chóng nhưng không thu phục được nhân tâm.

Tần Thủy Hoàng tuy dùng pháp trị để thống nhất Trung Hoa nhưng hậu thế không xếp ông vào hàng ngũ “được lòng dân”. Mà phép trị quốc - được lòng dân là được cả thiên hạ.

Nói xa cũng để nói gần, luật pháp, chính sách là một chuyện, việc thi hành nó lại là chuyện khác. Trong mọi hoàn cảnh quyền con người luôn luôn cao nhất...

Trương Khắc Trà