D. Trump để lại gì cho Tổng thống J. Biden?
D. Trump đã có động thái thừa nhận thất bại, J. Biden sẽ có 4 năm để thể hiện bản sắc, đồng thời giải quyết mớ bòng bong của người tiền nhiệm.
Giám đốc Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA), bà Emily Murphy đã gửi tới Joe Biden bức thư về kế hoạch sơ bộ chuyển giao quyền lực từ Tổng thống D. Trump. Bản thân đương kim Tổng thống đã bày tỏ “hài lòng” về công bố này.
Như vậy, đây là động thái ban đầu của đảng Cộng hòa thừa nhận thất bại của ông Trump trong cuộc chạy đua ở lại Nhà trắng. Như vậy, truyền thông “cánh tả” phương Tây đã không nhầm khi công bố kết quả từ khá sớm, bất chấp phản ứng gay gắt của Tổng thống.
Chưa nói đến cuộc khủng hoảng COVID-19 và yêu cầu phục hồi nền kinh tế, trước mắt Biden là mớ hỗn độn do Trump để lại: sứt mẻ tình cảm với đồng minh, nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đối sách với Trung Quốc và những vấn đề liên quan đến ích lợi sát sườn tại châu Á-Thái Bình Dương.
Từ đây đến ngày nhậm chức đầu năm 2021, ông Biden có hơn 1 tháng để cơ cấu e-kíp cho khoảng thời gian 4 năm tiếp theo. Một trong những vị trí trọng yếu là Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo chắc chắn bị thay thế. Về tổng quan “America First” cũng sẽ chấm dứt.
Đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ nồng nàn trở lại với WTO, WHO, LHQ và các đồng minh, các gói thuế đánh vào hàng Trung Quốc khả được dở bỏ; lệnh cấm vận Iran cũng được xem xét. Tuy nhiên, Trung Đông nguy cơ cao bạo lực trở lại.
Đối sách với Trung Quốc - đây là điều được chờ đợi nhiều nhất khi Biden lên nắm quyền. Liệu đảng Dân chủ Mỹ sẽ tiếp tục “ưu ái” các chương trình của Bắc Kinh như thời B. Obama? Liệu tân ngoại trưởng Mỹ sẽ “ngó lơ” Biển Đông?
Tất cả đều có thể xảy ra, song nếu cho rằng, “Mỹ dưới thời Biden sẽ ủng hộ Trung Quốc” là kết luận vội vàng! Nước Mỹ chưa bao giờ muốn thôi chống Trung Quốc, chỉ có điều mỗi thời sử dụng một phương pháp khác nhau. Dĩ nhiên, tất cả đều có tác dụng phụ.
Từ Obama trở về trước, Washington muốn giảm mối họa từ Trung Quốc bằng việc “mở cửa” cho họ hòa nhập vào dòng chảy chung, chơi chung luật quốc tế cho Mỹ viết ra, hy vọng thông qua “toàn cầu hóa” để kiểm soát đối thủ.
Song, mục tiêu này chưa đạt được, Trung Quốc tận dụng mối quan hệ với phương Tây để vươn lên thành cường quốc, bành trướng khắp thế giới. Đến D. Trump, nước Mỹ đã thấy được kinh nghiệm xương máu - ngây thơ tin tưởng Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình”.
Biden nhiều lần tuyên bố không nhân nhượng Bắc Kinh! Tuy nhiên, phương pháp khác D. Trump - Biden muốn thông qua kết hợp với đồng minh và các tổ chức đa phương để buộc Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc toàn cầu. Phương thức này không mới. Liệu Biden có bổ sung thêm “vũ khí” nào mới?
Chính sách của Trump với Trung Quốc đã mang lại hiệu quả tức thì. Nhưng, Trump bị mang tiếng là “kẻ phá bĩnh trật tự toàn cầu”, động chạm đến thị trường làm ăn của giới tài phiệt siêu giàu ở Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng có thể thấy, những điều này không quá khó để giải quyết khi nước Mỹ vẫn nắm quyền sinh sát, bảo ban phần còn lại. Chỉ cần họ thay đổi tất cả phải thay đổi theo.
Như chúng tôi đã phân tích, sự cứng rắn của Trump với Bắc Kinh là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hình thành RCEP - mối liên minh kinh tế của Trung Quốc với ASEAN và Đông Á.
Đây là “cục xương” rất khó tiêu mà D. Trump để lại cho J. Biden! Bởi vì Trung Quốc đã nhanh chân ngồi vào ghế chủ trì mâm tiệc tại trung tâm toàn cầu trong thế kỷ này.
Hay nói cách khác Mỹ đã chậm hơn một bước so với Trung Quốc trong chiến lược thâu tóm châu Á-Thái Bình Dương. Biden sẽ trở lại đây bằng cách nào? Bắt tay với Trung Quốc hay tiếp tục xây dựng trục quyền lực với đồng minh truyền thống? Tất cả vẫn phải chờ.
Có thể bạn quan tâm
Hậu bầu cử Mỹ: Chính quyền Trump khởi động quá trình chuyển giao quyền lực!
07:07, 24/11/2020
Cuộc "đại di cư" chuỗi cung ứng toàn cầu: Nhà đầu tư chờ kết quả bầu cử Mỹ
05:00, 20/11/2020
Hậu bầu cử Mỹ: 2.755 lá phiếu bị bỏ sót ở Georgia
13:18, 18/11/2020
Bầu cử Mỹ: Tương quan lực lượng ở 5 bang còn lại ra sao?
17:15, 06/11/2020
Bầu cử Mỹ: 5 bang quan trọng sẽ quyết định số phận của Biden và Trump
13:00, 05/11/2020