ĐỐI THOẠI DAVOS: Gợi mở xu hướng phát triển mới
Diễn đàn Davos 2021 - nơi hội tụ những bộ óc xuất chúng về kinh tế và chính trị sẽ gợi mở ra xu hướng phát triển cho tương lai.
Lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos -Thụy Sĩ diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Điều mà cách đây 12 tháng không ai ngờ rằng “căn bệnh lạ” nào đó đã thay đổi thế giới một cách kinh hoàng.
Tất cả đang cuống cuồng đổi thay, liệu Davos, nơi tập hợp hầu hết những bộ óc kinh tế, chính trị xuất chúng nhất có giúp thế giới vượt qua đại nạn này? Trong tương lai gần, các yếu nhân tại Davos sẽ đưa ra lời khuyên gì để thích nghi?
Davos 2021 tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập, nợ công và biến đổi khí hậu. Trong những vấn đề này, biến đổi khí hậu dự kiến được đầu tư 23.000 tỷ USD để khắc phục.
Hiện nay, để chống biến đổi khí hậu, 170 quốc gia đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris vào năm 2015 thống nhất giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C, trên mức tiền công nghiệp vào năm 2100.
Trong đó Mỹ chịu trách nhiệm 14% và Trung Quốc chịu trách nhiệm 30% khí thải toàn cầu, sau đó cựu Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận, đẩy Hiệp định Paris vào nguy cơ đổ vỡ. Tin vui là tân Tổng thống J. Biden hứa hẹn đưa Mỹ quay trở lại.
Nhiều người không thể hình dung ra tầm quan trọng đặc biệt của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ví dụ, khi nhiệt độ trái đất tăng lên 1 độ C sẽ khiến hàng triệu tấn băng ở hai cực Bắc và Nam địa cầu tan chảy, nhấn chìm hàng ngàn km lãnh thổ, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực diện.
Khí thải trong hoạt động công nghiệp phá hỏng bầu khí quyển, làm thay đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đến bất thường, trái mùa, các quốc gia nông nghiệp, tiềm lực yếu chịu thiệt hại đầu tiên.
Nếu như tham gia Hiệp định Paris, nhiều quốc gia phải cắt bỏ các ngành công nghiệp lạc hậu, tăng cường đầu tư công nghệ, phát triển “xanh”, bền vững được ưu tiên, làm thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu.
Ví dụ, hiện tượng công nghệ sản xuất xi măng, nhiệt điện gây ô nhiễm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam có nguyên nhân không nhỏ từ việc nước này đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris.
Đầu tàu là các cường quốc, khi họ thay đổi, các nước nhỏ phải thay đổi theo bằng cách đón đầu xu hướng để hưởng thụ dòng vốn đầu tư cho phát triển bền vững, đồng thời ngay lập tức sửa đổi chính sách, luật pháp để không phải nhận hậu quả trở thành “bãi rác công nghệ”.
Phát triển bền vững, thân thiện môi trường là khái niệm không phải mới, tuy nhiên vì nhiều lý do mà các quốc gia không muốn hoặc không thể chuyển đổi mô hình phát triển của mình.
Ví như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi là những nền kinh tế rất mạnh nhưng vẫn sử dụng mô hình tăng trưởng dựa vào nhân công giá rẻ, chỉ số sử dụng vốn thấp và khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, các nước này đang chuyển đổi rõ rệt: Bắc Kinh nhiều năm trước đã thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế công nghệ cao; Ấn Độ được dự báo sẽ trở thành “thung lũng silicon” mới của thế giới; Nhật Bản đã luật hóa nguyên tắc đầu tư “xanh” (EGS).
Với 23.000 tỷ USD dự định cho phát triển bền vững sẽ tạo thành dòng chảy phát triển mới, đó là cơ hội, đồng thời là thách thức không nhỏ cho những quốc gia mới bước vào giai đoạn đầu của công nghiệp hóa kiểu cũ.
Như Việt Nam, phải giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là tầm quan trọng không thể thiếu của vốn FDI đối với nền kinh tế và một bên là yêu cầu sàng lọc chất lượng nguồn vốn.
Bởi vì khi Hiệp định Paris được đẩy nhanh tiến độ sẽ có một cuộc tháo chạy của những nhà đầu tư mang công nghệ cũ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Nhưng để có được đồng vốn “sạch” cần nhiều điều kiện hơn.
Nếu tiếp tục gây ô nhiễm, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu, tương lai không xa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được kiểm định chặt chẽ hơn, dĩ nhiên các thị trường chất lượng sẽ không chấp nhận sản phẩm được làm ra từ tàn phá tài nguyên thiên nhiên, phá hoại môi trường toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
ĐỐI THOẠI DAVOS: Đánh thuế kỹ thuật số liệu có khả thi?
15:45, 26/01/2021
ĐỐI THOẠI DAVOS: Cuộc chiến chống bất bình đẳng thời virus phải là trọng tâm giải cứu và phục hồi kinh tế
11:24, 26/01/2021
Kết thúc WEF Davos 2019, Việt Nam khởi động Chương trình “Make in Viet Nam 4.0”
13:00, 26/01/2019
Davos ảm đạm vì thiếu cường quốc: Mừng hay lo?
11:15, 23/01/2019
Điều gì sẽ xảy ra tại Davos 2019?
06:15, 22/01/2019
Huawei và “đầu mối" căng thẳng tại Diễn đàn Davos
06:30, 20/01/2019
Chủ nghĩa bảo hộ bị lên án mạnh mẽ tại Davos
06:37, 25/01/2018
Tổng thống Trump toan tính điều gì tại Davos?
06:26, 25/01/2018