Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nhà lãnh đạo thế giới thẳng thắn phản đối quan điểm chống tự do hóa thương mại của Mỹ.
Theo đó, các nhà lãnh đạo Brazil, Ấn Độ, Canada và Italy đã công khai chỉ trích những chính sách bảo hộ thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Brazil Michel Temer, cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà xu hướng cô lập đang thịnh hành. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo không phải là giải pháp hay”.
“Khi chúng ra xích lại gần nhau, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, ý tưởng sáng tạo mới, khả năng mới. Do đó, chúng ta có thể cung nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta đang gặp phải”, ông Temer nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, cũng cho rằng: Thật không thể hiểu nổi tại sao Mỹ lại chỉ quan tâm tới lợi ích của nhân dân mình, mà không quan tâm đến việc thỏa thuận thương mại bình đẳng, tự do?.
“Chúng tôi hiểu rằng, việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích của các công dân Mỹ là đúng đắn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ thảo luận về khuôn khổ thương mại hợp tác quốc tế chỉ có lợi cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ, mà không đề cập đến tự do thương mại”, ông Gentiloni chia sẻ.
Hiện tại Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi Hiệp định CPTPP, ngừng thỏa thuận thương mại với châu Âu và đang đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico.
Phát biểu tại Davos, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết: Chúng tôi đang rất nỗ lực đàm phán với Mỹ để đạt được Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) một cách tốt nhất, không chỉ có lợi cho kinh tế của chúng tôi, mà cho cả kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tỏ ra lo ngại về xu hướng chống toàn cầu hóa.
“Bảo hộ mậu dịch có nghĩa là đang chống lại quá trình toàn cầu hóa. Các quốc gia theo xu hướng này không chỉ muốn tránh toàn cầu hóa, mà còn muốn đi ngược lại quá trình tất yếu này”, ông Narendra Modi nhấn mạnh và cho biết, giải pháp cho vấn đề này là cần có chính sách linh hoạt, phù hợp theo từng hoàn cảnh.