Huawei và “đầu mối" căng thẳng tại Diễn đàn Davos

Trương Khắc Trà 20/01/2019 06:30

Sau những thất bại của G7, G8, hay APEC 2018…, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos lần này được kỳ vọng sẽ sắp xếp lại những vấn đề nổi cộm toàn cầu. Nhưng liệu có dễ?

Davos, một thị trấn xinh xắn bên bờ sông Landwasser (Thụy Sĩ) những ngày này chìm trong băng tuyết.

Nhưng cách đó hàng vạn dặm mọi thứ bắt đầu “nóng” lên, bởi những nhân vật quan trọng bắt đầu phát đi tín hiệu trước khi tề tựu về đây để tháo gỡ những vấn đề hệ trọng của kinh tế toàn cầu.

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2019 sắp sửa diễn ra nhưng “khẩu chiến” bên lề bắt đầu xuất hiện từ các phía.

Một bức ảnh của Reuters chụp toàn cảnh trung tâm hội nghị - nơi tổ chức WEF Davos  bị bao phủ trong tuyết trắng giá lạnh. Băng chưa chưa biết khi nào tan, cũng như sự lạnh lùng giữa các cường quốc còn bủa vây lẫn nhau.

Nơi diễn ra WEF tại Davos chìm trong băng giá

Nơi diễn ra WEF tại Davos chìm trong băng giá (Ảnh: Reuters)

Với chủ đề: “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”. Huawei là một trong những cái tên đầu tiên gây mâu thuẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • Quan hệ Mỹ - Trung giữa căng thẳng Huawei: “Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn”

    Quan hệ Mỹ - Trung giữa căng thẳng Huawei: “Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn”

    05:30, 12/12/2018

  • Phong cách kinh doanh

    Phong cách kinh doanh "chó sói" của ông chủ Huawei

    07:28, 11/12/2018

  • Tại sao là Huawei - vì sao là lúc này?

    Tại sao là Huawei - vì sao là lúc này?

    11:24, 10/12/2018

Canada theo gót Mỹ chĩa mũi dùi về Huawei, còn Bắc Kinh tế tiếng cảnh báo, nếu Ottawa manh động thì “không chắc sẽ là hậu quả gì nhưng chắc chắn sẽ có hậu quả”.

Lập tức, Canada tuyên bố không thỏa hiệp và cũng không bị đe dọa bởi Trung Quốc.

“Ngoại giao Microphone” là ám chỉ mà Washington giành cho giới chức Trung Quốc, hay nói cách khác ông Trump không muốn nhìn thấy “cách chỉ thẳng tay vào người khác để giải quyết vấn đề”.

Nhưng, thật sự Trung Quốc có mạnh mẽ như lời nói của họ? Hãy nhìn vào thương chiến để thấy rằng, Bắc Kinh đang cố gắng khoác cho mình chiếc áo rộng quá cỡ để “nói chuyện” với đối thủ.

Ai khai mào chiến tranh thương mại? Ai liên tiếp kích hoạt những gói thuế “nặng ngàn cân”? Giờ đây, sau gần 1 năm, bên nào chịu thiệt hại nhiều hơn? Câu trả lời đã quá rõ.

Quay trở lại vụ Huawei, Canada đã bắt bà Mạnh Vãn Châu giao cho Mỹ. Đó là hành động nhiều toan tính, nhưng trong đó có lý do an ninh.

Điều này đã được chứng minh ở nhiều nơi trên thế giới, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, sắp tới là Nga và Anh có thể sẽ “nói không” với sản phẩm của công ty này vì lo ngại tương tự.

Huawei là một trong những vấn đề gây mâu thuẫn

Huawei là một trong những vấn đề gây mâu thuẫn

Lập tức, Bắc Kinh tuyên án tử hình với một công dân Canada vì tội buôn ma túy, cũng rất…đương nhiên là đúng người đúng tội theo luật pháp Trung Quốc.

Nhưng, cái người ta quan tâm là vì sao vụ án được tiến hành ngay sau những động thái của Canada với Huawei?

Đây phải chăng là đòn đánh trả “dưới thắt lưng”? Sẽ quảng đại hơn nếu Bắc Kinh tìm ra một lý do chính đáng để chứng minh Huawei vô tội để cáo buộc lại Ottawa.

Khi ấy, những cảnh báo mà nước này vừa phát ra với Canada sẽ trọng lượng hơn rất nhiều.

Sự lúng túng của Bắc Kinh với những vấn đề hệ trọng phần nào cho thấy yếu điểm của họ.

Đến lượt Ba Lan bắt giám đốc quốc gia Huawei vì cáo buộc “làm việc cho an ninh Trung Quốc và gây thiệt hại cho an ninh quốc gia Ba Lan”. Một lần nữa Bắc Kinh “bày tỏ quan ngại sâu sắc”.

Thứ duy nhất và hiệu nghiệm nhất để Trung Quốc mặc cả với đối thủ không phải là công nghệ và tiềm lực, mà chính là sự hấp dẫn của thị trường đông dân nhất thế giới.

Dựa vào “công xưởng thế giới” Trung Quốc đã tận dụng tối đa mọi thứ để sản xuất ra mọi thứ rẻ hơn bất cứ đâu trên thế giới.

Nhưng, Huawei dường như “tàng hình” hoàn toàn trên lãnh thổ Mỹ - khác hoàn toàn với những đối thủ của họ như Samsung, Apple.

Tương tự tại Canada theo thống kê sơ bộ chỉ có khoảng 1.000 người sử dụng sản phẩm của Huawei!

Nếu chiến tranh thương mại chỉ là kế “ném đá dò đường” của ông Trump, thì nhằm vào Huawei chính là mục tiêu cụ thể.

Những dữ kiện này có ý nghĩa là bởi diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos sắp diễn ra, nơi có mặt của 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, xã hội dân sự, giới học giả.

Kể cả các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông, hơn 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, và đại diện các tổ chức quốc tế.

Với khoảng 350 phiên họp, thảo luận và đối thoại xoay quanh cuộc cách mạng 4.0. Chắc chắn những vấn đề của Huawei và tương tự như thế sẽ là tâm điểm của diễn đàn này.

Tổng thống Mỹ có thể không tham dự WEF Davos vì vướng bận quá nhiều ngổn ngang ở chính phủ và lưỡng viện, Trung Quốc và Canada đe dọa lẫn nhau…các nước nhỏ hơn dường như im ắng.

Đó là những tín hiệu không tốt lành với một diễn đàn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.

Sau những thất bại của G7, G8, G20, hay APEC 2018…tại Davos lần này là hy vọng cuối cùng để những vấn đề nổi cộm được sắp xếp lại một cách có trật tự hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Huawei và “đầu mối" căng thẳng tại Diễn đàn Davos
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO