Facebook và “quyền lực thứ 4” (Bài cuối)
Chống độc quyền phải dựa vào việc sửa chữa cấu trúc của bộ khung điều hành nền kinh tế.
Trên phương diện một nhà kinh tế, K. Marx là người đầu tiên và duy nhất nghiên cứu công phu về “cạnh tranh” khi ông phát kiến ra học thuyết “giá trị thặng dư” trong nền kinh tế tư bản.
Cạnh tranh, một mặt giúp hình thành giá trị xã hội của hàng hóa và một mặt là hình thành tỷ suất lợi nhuận bình quân. Những nguyên lý này, ngày nay vẫn còn giá trị của nó, mặc dù trong thực tế có sự ngăn cản của các tổ chức độc quyền, kể cả của các tổ chức độc quyền đa quốc gia.
Facebook đang nổi lên với tư cách là tổ chức độc quyền đa quốc gia phá bĩnh giá trị xã hội của hàng hóa (ở đây là dịch vụ thông tin) và thâu tóm lợi nhuận siêu ngạch, điều đó có nghĩa các doanh nghiệp cùng ngành không có lợi nhuận bình quân.
Điều này tiếp tục giải thích vì sao 10 năm qua không có mạng xã hội nào đủ lớn để “nói chuyện” sòng phẳng với Facebook, kể cả những cái tên như Parler - lập tức bị vùi dập sau khi “chứa chấp” tài khoản của ông Trump.
Facebook cũng đã cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh dữ dội, không ai phủ nhận điều này. Song, CEO Mark từng chỉ đạo cấp dưới qua email có nội dung: “phải mua tất cả…”. Đây có phải là cạnh tranh thông thường? Không phải!
Cạnh tranh lành mạnh luôn tồn tại hai mặt đối lập, một mặt kích thích doanh nghiệp tăng khả năng sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất và chất lượng hàng hóa. Ở tầm vĩ mô, cạnh tranh chính là động lực phát triển của nền kinh tế.
Mặt khác, bãi chiến trường của cạnh tranh không hề dễ chịu chút nào, ở đó bên thua cuộc phải rời khỏi thị trường, phải bán mình, thậm chí phá sản. Trong kinh tế tư bản cạnh tranh là động lực thúc đẩy tích tụ tư bản. Sự lớn mạnh của Facebook là một minh chứng của chủ nghĩa tư bản dữ liệu đã đạt đến trình độ cao.
Các bài học lý thuyết kinh điển này cho chúng ta rút ra công cụ để chiến đấu với sự độc quyền của Facebook. Rằng, nếu như mạng xã hội này lớn lên nhờ cạnh tranh thì cũng có thể suy yếu vì cạnh tranh. Đây là nguyên lý kinh tế mang tính phổ quát..
Vậy, làm sao để buộc Facebook cạnh tranh lành mạnh? Tiếp tục là một vấn đề nan giải. Chính phủ Mỹ có ý định chia nhỏ mạng xã hội này như đã từng làm với đế chế dầu mỏ Standard Oil, thậm chí buộc Facebook báo cáo công khai các thương vụ M&A có giá trị từ 10 triệu USD trở lên.
Song, đó không phải là cách thức hữu hiệu, chỉ làm cho mâu thuẫn kinh tế tư bản thêm trầm trọng, phát sinh những ung nhọt nghiêm trọng hơn. Chống độc quyền phải dựa vào việc sửa chữa cấu trúc của bộ khung điều hành nền kinh tế, giống như kiểu phải thay thế những đoạn mã trong một bộ gen lỗi..
Thứ nhất, với chính sách cạnh tranh, mặc dù là nguyên lý kinh tế tổng quát nhưng hiện nay có khá nhiều quan điểm trái ngược, rất khó nói người Mỹ không từng bảo trợ cho Facebook, và cũng không thể không công nhận chính phủ Trung Quốc đứng sau các tập đoàn lớn của họ.
Thứ hai, với thương mại quốc tế, thực tế chứng minh càng thắt chặt thương mại với nước ngoài càng tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước thao tùng thị trường. Chỉ có tự do hóa thương mại tạo dòng chảy hàng hoá vào nền kinh tể quốc tế nên có ảnh hưởng lớn đến tính chất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế đồng thời thúc đẩy cạnh tranh trong nước.
Ngoài ra phải tác động đúng chỗ vào chính sách công nghiệp, lao động việc làm, sở hữu trí tuệ.
Chi tiết hơn, Facebook chỉ dừng lại khi và chỉ khi có đối thủ cạnh tranh xứng tầm, đó là kịch bản khi người dùng đồng loạt rời bỏ mạng xã hội này để chuyển sang một nền tảng khác hấp dẫn và hiệu quả hơn. Vấn đề là ai đủ điều kiện đảm đương vai trò này?
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: “Tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa. Đã đến lúc cần một mạng xã hội mà giá trị do cộng đồng tạo ra được chia sẻ chứ không đổ về cho một người”.
Thông điệp của ông Hùng là chủ đề lớn, hay nói cách khác là thách thức buộc phải vượt qua để tránh “làn đạn thông tin” mà Facebook bắt đầu khai hỏa.
Có thể bạn quan tâm
Facebook và “quyền lực thứ 4” (Bài 2)
06:20, 23/02/2021
Facebook và “quyền lực thứ 4” (Bài 1)
06:15, 22/02/2021
Điều gì đằng sau việc “hủy kết bạn” của Facebook với Úc?
00:05, 20/02/2021
Facebook giờ chỉ để… cho vui?
06:40, 05/02/2021
Facebook đối diện tương lai mịt mù
11:00, 30/01/2021
Có dễ “quật ngã” Facebook?
16:45, 23/02/2021