Bài IV: Chủ nghĩa tư bản ngày nay
Một số mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước điển hình hiện nay đang mâu thuẫn cực độ giữa kinh tế và chính trị.
Ban đầu là CNTB tự do cạnh tranh, sau đó chuyển sang CNTB độc quyền, từ đầu thế kỷ 20 đến kết thúc thế chiến II là CNTB độc quyền nhà nước. Trong hình thái mới nhất của CNTB, có sự hiệp thương, thỏa thuận, đan xen giữa quyền lực nhà nước và giới chủ giàu có.
Điển hình như giới tinh hoa Mỹ, dường như không có sự tách biệt giữa những người làm kinh tế và những người hoạt động chính trị. Rất nhiều Tổng thống Mỹ là triệu phú, tỷ phú Forbes - Donald Trump là một ví dụ.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) một định chế tài chính - là tổ chức tư nhân được điều hành bởi các ông chủ giàu có ở phố Wall, trở thành đối trọng với chính phủ, thậm chí quyết định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu.
Từ thập niên 80 của thế kỷ 20 đến nay, cán cân quyền lực trong cơ cấu của CNTB nhà nước đã thay đổi. Những thay đổi này diễn ra một cách âm thầm, theo xu hướng, và biểu hiện rõ rệt dưới thời Tổng thống D. Trump.
Đó là sự xuất hiện của CNTB dữ liệu. Song trùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, xuất hiện nhiều đế chế kinh doanh - công nghệ khổng lồ như Facebook, Google, Amazon, Alibaba,…
Quyền lực doanh nghiệp thách thức trực diện với quyền lực chính trị, Tổng thống Trump chính là bại tướng kinh điển dưới tay các mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.
Nói cách khác, hai thế lực chủ yếu trong CNTB nhà nước hiện nay không còn cơm lành canh ngọt, cuộc chiến này ở mức một mất một còn. Nhà tư bản ra tay thẳng thừng, còn nhà nước do dự chưa biết xử trí ra sao.
Cụ thể, Tổng thống Joe Biden chưa tìm ra phương pháp kìm hãm Big Tech, còn tại Trung Quốc, đế chế Alibaba chính thức thất sủng, hàng loạt CEO doanh nghiệp tư nhân lớn đã từ chức.
Như vậy, CNTB đã phát triển lên một nấc thang mới, nó dường như trở về với thời kỳ sơ khai, như những con ngựa bất kham - nhưng thứ mạnh nhất mà họ nắm giữ chưa hẳn là tiềm lực tài chính, mà đó chính là thông tin, dữ liệu.
Nói một cách dễ hiểu, không có dữ liệu thì không có trí tuệ nhân tạo (AI), không có AI thì không có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Rất tiếc, cuộc cách mạng này là khách quan, không ai cản được. Điều đó cho phép suy ra, CNTB vẫn tiếp tục nắm ngọn cờ tiên phong.
Đó là những gì xảy ra ở cái nôi của CNTB, còn ở Trung Quốc và một số khu vực lân cận thì sao? Trung Quốc hiện đang ở thời kỳ quá độ, ở nền kinh tế này có đầy rẫy dấu vết của CNTB - lõi bên trong của vỏ bọc XHCN.
Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất - khu vực kinh tế tư nhân phát triển rất mạnh mẽ trong khi những nơi công hữu về tư liệu sản xuất - kinh tế nhà nước có dấu hiệu ì ạch.
Nếu phân tích quá trình lớn lên của Alibaba, sẽ thấy CEO Jack Ma từng là sủng thần của triều đình, mang bộ mặt của nền kinh tế công nghệ Trung Quốc - đó là sự đan xen giữa quyền lực nhà nước và ông chủ doanh nghiệp. Đây chính là CNTB nhà nước! Điều tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều quốc gia khác.
CNTB ngày nay dựa trên nền móng của công nghệ thông tin, họ đang nỗ lực số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, sự xuất hiện của tiền số và giá trị tăng phi mã của nó đã củng cố thêm sức mạnh của CNTB dữ liệu.
Phương thức kiểm soát, phong tỏa bằng dữ liệu dần thay thế vũ khí súng đạn. Của cải, vật chất chuyển dần sang trạng thái phi vật chất - nó không trú ngụ ở tiền mặt trong ngân hàng mà ẩn náu trong mấy câu hỏi: Anh biết được gì? Nắm được gì?
Với những lợi thế đang nắm giữ, CNTB ngày nay vẫn là rường cột của nền kinh tế toàn cầu, họ đã tạo ra các quan hệ xã hội, kinh tế có vẻ bình đẳng, ngang hàng. Nhưng sự phụ thuộc vào họ ngày một chặt hơn, không thể thoát ra.
Ví dụ, Facebook, Google có thể biết chính xác mỗi cá nhân/người dùng đang ở đâu, làm công việc gì, thị hiếu ra sao, thậm chí cả những thói quen kín đáo nhất đều giao nộp cho những ông trùm dữ liệu.
Dịch bệnh COVID-19 tạo ra cuộc khủng hoảng toàn diện, trên bình diện toàn cầu, cũng có thể xem đây là cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ của CNTB - 2 năm chung sống với mối họa này cho thấy, loài người phải chuyển đổi số và số hóa để thích nghi.
Về phương diện này, không ai có thể vượt qua CNTB, họ tiếp tục đi đầu. Và sau cuộc khủng hoảng này CNTB lại càng mạnh thêm.
Có thể bạn quan tâm
Bài I: Lao động đã tiến hóa như thế nào?
06:00, 01/05/2021
Bài II: Logic vận động của giá trị thặng dư hiện nay
06:15, 01/05/2021
Bài III: Thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao?
10:01, 01/05/2021
Phép thử nặng liều cho chủ nghĩa tư bản (Bài 1)
06:00, 06/05/2020
Năng suất lao động và thu nhập: Luẩn quẩn chuyện quả trứng - con gà”!
05:03, 01/05/2021