Năng suất lao động và thu nhập: Luẩn quẩn chuyện quả trứng - con gà”!

SÔNG HÀN 01/05/2021 05:03

Câu chuyện quả trứng - con gà luôn được nhắc đến khi bàn tới vấn đề năng suất lao động và thu nhập của người lao động trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao.

Năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao.

Vì đâu năng suất lao động Việt Nam chưa cao?

Có thể nói, chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động lạc hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động của quốc gia còn thấp; trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động.

Thống kê cho thấy, năng suất lao động năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019, và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động).

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Tuy vậy, cũng theo ILO, mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm…

Vấn đề đặt ra ở đây là năng suất lao động Việt Nam chưa cao, vì đâu? Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng trong phạm vi bài này người viết đề cập đến từ phía: Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn và người lao động.

Phía Nhà nước chưa tạo ra được nguồn lao động có tay nghề đa dạng và trình độ cao từ các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học.

Về doanh nghiệp, họ chưa chú trọng tới tất cả các vấn đề liên quan tới năng suất lao động. Bởi, năng suất lao động gồm cả hành vi, thái độ, suy nghĩ và tác động của con người đối với công việc. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa quan tâm tới suy nghĩ, tâm tư của người lao động.

Phía công đoàn, việc tuyên truyền để nâng cao năng suất lao động, ý thức lao động đôi khi còn chưa tới nơi, tới chốn. Công đoàn cần thuyết phục người lao động nâng cao trình độ. Thêm nữa, phải trau dồi kỷ luật, kỷ cương đối xử trong doanh nghiệp, không thể đem tác phong vùng miền ra làm việc trong môi trường công nghiệp.

Người lao động, một bộ phận vẫn còn tâm lý địa phương: Hôm nay thích làm ở đây, mai thích làm chỗ khác thì lại bỏ. Tay nghề chưa cao, tác phong công nghiệp chưa cao…

Thực tế, trình độ công nghệ thấp, hiện lực lượng lao động giá rẻ không có kỹ năng của chúng ta vẫn còn rất lớn. Đây đang là vấn đề đáng phải suy ngẫm, khiến chúng ta khó bắt kịp các nước trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành từng nêu quan điểm: “Môi trường làm việc, điều kiện làm việc, mật độ sử dụng công nghệ còn thấp, cũng như tay nghề, kỹ năng của người lao động còn thấp. Điều đó giải thích vì sao mà hiện thu nhập của chúng ta hiện nay vẫn còn thấp, thấp nhất trong các nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và đối với khu vực Châu Á nói chung. Lực lượng lao động rẻ không có kỹ năng của chúng ta vẫn rất lớn và khu vực này đang nằm kẹt ở khu vực nông thôn, khu vực nông nghiệp chẳng hạn, và không dịch chuyển sang ngành có năng suất cao hơn. Đây là vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam rất nghiêm trọng, nhức nhối”.

Chuyện quả trứng - con gà

Năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp; Công nghiệp -xây dựng và Dịch vụ.

Có một nghịch lý là, chủ doanh nghiệp muốn có năng suất cao, nhưng lại chọn lao động giá rẻ để giảm bớt chi phí nhân công. Lao động giá rẻ chiếm số lượng lớn và chất lượng lao động không đồng đều đang trở thành rào cản để tăng năng suất lao động. Và, vì năng suất lao động chưa cao, nên chủ sử dụng lao động luôn tìm mọi lý do, viện đủ mọi cách để trả công cho người lao động một cách rẻ nhất có thể.

Để đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động và nhằm để được hưởng mức lương cao hơn, người lao động cũng mong muốn học tập, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, lương thấp và không đủ sống, không đủ tái tạo sức lao động bền vững thì khó có thể nghĩ đến việc người lao động tự đào tạo để tăng năng suất.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nếu không bàn tới năng suất lao động khó tính tới tăng lương. Họ ví von câu chuyện quả trứng - con gà. Ở giai đoạn này, khi tiền lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu. Nhất quyết chúng ta phải giải quyết vấn đề quả trứng - tiền lương có trước.

Có điều, khách quan nhìn nhận rằng, bây giờ mà vẫn lấy lao động giá rẻ làm ưu thế cạnh tranh là trái với xu thế. Đã qua rồi thời kỳ đói ăn thiếu mặc, áp lực ngày càng gia tăng về cải thiện chất lượng môi trường sống đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững. Việc đón đầu xu thế nâng chất lượng nguồn lực lao động gắn với kỹ năng chuyên sâu qua đó thanh lọc chất lượng các dự án đầu tư… phải trở thành chính sách ưu tiên.

Và để tạo điều kiện cho người lao động có thể nâng cao tay nghề, doanh nghiệp cần đảm bảo mức sống để người lao động có phần chi phí đầu tư cho học tập, tập huấn. Đồng thời cũng phải đầu tư công nghệ, máy móc phù hợp, đồng bộ. Bởi, nếu người lao động có tay nghề cao, nhưng thao tác trên phương tiện lao động cũ kỹ, lạc hậu, cũng không thể nâng cao năng suất.

Điều này cũng có nghĩa, hiện chúng ta vẫn đang trong cái vòng luẩn quẩn năng suất - mức thu nhập không khác gì câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Và đến lúc cần rõ ràng rằng, thu nhập là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động.

Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu, thu nhập sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. 

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được những mục tiêu khát vọng này, thì chìa khóa chính là nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"

    13:00, 28/04/2021

  • Tăng trưởng năng suất lao động của khối FDI chững lại

    09:53, 28/04/2021

  • Năng suất lao động: "Nút thắt" ở ngành công nghiệp giải trí (Bài 2)

    11:00, 07/04/2021

  • Năng suất lao động: "Nút thắt" ở ngành công nghiệp giải trí (Bài 1)

    04:00, 07/04/2021

  • Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh

    11:00, 13/08/2020

  • Dồn lực nâng cao năng suất lao động quốc gia

    02:00, 07/02/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năng suất lao động và thu nhập: Luẩn quẩn chuyện quả trứng - con gà”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO