Đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025
Theo đó, tiếp tục phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 05/5, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Thông tin tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3.
So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn: Đã hoàn thành vượt và đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (đã báo cáo vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu).
“Điều này phản ánh sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong những tháng cuối năm để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2024”. - Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; bội chi, nợ công được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8-7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng ba bậc vươn lên vị trí thứ 32 trên thế giới.
Đáng chú ý, năng suất lao động ước tăng 5,88% (đã báo cáo ước khoảng 5,56%); xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD (đã báo cáo đạt gần 20,8 tỷ USD); GDP bình quân dầu người đạt 4.700 USD (tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao); lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm; thu ngân sách Nhà nước đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán…
Thủ tướng cũng nêu rõ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%; khách quốc tế tăng mạnh; xuất siêu 24,8 tỷ USD, khai mở thành công các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi; khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới, chuyển đổi số mạnh mẽ với điểm sáng là Đề án 06; thương mại điện tử có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực tăng 20%. Nhiều dự án hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi được triển khai, tạo sự lan tỏa tốt. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc lên thứ 44/133 quốc gia được xếp hạng… ba đột phá chiến lược được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Đồng thời, đổi mới tư duy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế đất nước. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, tạo cơ hội phát triển mới. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2024 tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Về tình hình thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn, đặc biệt Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, trong đó có Việt Nam, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, thực hiện các kết luận, nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, với tinh thần kỷ cương, chủ động, trách nhiệm, kịp thời, tăng tốc, bứt phá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trọng tâm.
Trong đó, thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.
Cùng với đó là đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia…
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 02 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu qủa chính sách vi mô.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Công tác phân tích dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phân cán bộ công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…
Từ những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức 4 - 4,5% GDP; tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều tiết tỷ giá lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh của lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói ứng dụng ưu đãi dài dạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ, nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%...