Tín dụng - Ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng khởi sắc

Lê Mỹ 30/04/2025 04:05

Tăng trưởng tín dụng tích cực trong quý I/2025 hoàn toàn khác với bức tranh hấp thụ vốn quý đầu của những năm gần đây.

Điều này cũng phản ánh rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong quý I/2025 với GDP ấn tượng lên tới 6,93%, cao nhất trong 5 năm.

tin-dung 2
Tăng trưởng tín đụng năm 2025 so với năm 2024. Nguồn: NHNN, GSO

Kỳ vọng tăng mạnh dư nợ

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng mạnh cho thấy đóng góp tích cực tổng đầu tư toàn xã hội trong thời gian vừa qua của ngành ngân hàng, có sự thuận lợi của diễn biến kinh tế tích cực. Cùng với đó, ngay từ đầu năm nay, NHNN đã chủ động giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% để các tổ chức tín dụng chủ động trong thúc đẩy giải ngân.

Đối với các ngân hàng, mùa ĐHĐCĐ đang diễn ra cũng chứng kiến những kế hoạch kinh doanh mạnh mẽ, với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cao được chú thích thêm “tùy theo hạn mức được NHNN phê duyệt”.

Nhóm tăng trưởng tín dụng cao nhất theo “kịch bản” đề ra có HDBank dự kiến tăng 32%, VIB hơn 22% và kỳ vọng có thể được NHNN duyệt mở rộng hơn, MB dự kiến tăng xấp xỉ 23,7%, LPBank kế hoạch 22,2%, TPBank và MSB dự ước 20%, VPBank, SHB, OCB và ACB tăng 16%,... Một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao cho cả năm 2025 như: Vietbank đặt mục tiêu tăng 20%, BVBank 18%, ABBank 16%, Sacombank 14%... Nhóm Big 4 như BIDV dự kiến 15-16%, Vietcombank 16,28%,…

Nhìn chung, MSB dự báo với đà tích cực của năm 2025 trong quyết tâm tăng trưởng cao của nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao và sự hồi phục mạnh mẽ của sản xuất, tiêu dùng Việt Nam, thúc đẩy tín dụng bán lẻ, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 17-18% trong năm 2025. Tuy nhiên, dự báo này chưa bao gồm đánh giá đầy đủ những tác động của biến động thuế quan đối với nền kinh tế.

Hành động trước những thách thức

Ngoài những yếu tố tác động khách quan, theo đánh giá của giới chuyên môn, các tác động thuế quan trước mắt đối với Việt Nam được kỳ vọng sẽ chỉ là ngắn hạn.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết OCB tin rằng kịch bản tăng trưởng GDP đạt 8% vào năm 2025 sẽ thúc đẩy Chính phủ đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch dự báo đạt khoảng 90% trong năm 2025. Điều này kỳ vọng sẽ củng cố tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp và cải thiện sức mua của khu vực dân cư năm 2025.

Cùng với đó, ông Tuấn cho rằng khi xảy ra thương chiến thì sẽ có tác động, chẳng hạn như đang thuận lợi 10 thì sẽ chỉ còn 8, nhưng cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam sẽ đàm phán được với Mỹ để đạt mức thuế phù hợp, có thể đồng hạng cùng những đối thủ cạnh tranh với các mặt hàng chúng ta xuất sang Mỹ (dệt may, da giày, gỗ) như với Indonesia, Bangladesh… thì cơ hội xuất khẩu vẫn lớn. Với năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam, sự hậu thuẫn tín dụng của ngân hàng, tin tưởng có thể phát triển ra nhiều thị trường khác.

Trong khi đó, đề cao yếu tố cơ hội đến từ sự chuyển mình trở thành trung tâm khoa học công nghệ mới của thế giới, ông Phạm Quốc Thanh, thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng giám đốc HDBank cho biết ngân hàng có kế hoạch hành động để nâng tầm quy mô, tăng trưởng, nâng cao chất lượng danh mục cho vay, mở rộng cho vay vào các lĩnh vực có rủi ro thấp, các sản phẩm vay xanh và sản phẩm đầu tư thân thiện với môi trường; Đảm bảo các cân đối, chỉ tiêu hiệu quả và an toàn, đặc biệt đột phá về tăng trưởng CASA hỗ trợ cải thiện chi phí vốn.

“Ngay sau khi Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai chương trình 500.000 tỷ đồng, kỳ vọng đây là đòn bẩy lớn của nền kinh tế. HDBank đã đăng ký tham gia 20.000 tỷ đồng”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, dù danh mục cho vay của ACB dành cho khối doanh nghiệp FDI và các tập đoàn xuất nhập khẩu quy mô lớn vẫn ở mức tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng dư nợ, nhưng ngân hàng đã chủ động làm việc với khách hàng để ghi nhận những khó khăn có thể phát sinh. Tuy nhiên, nhìn chung các khách hàng của ACB đều có hoạt động kinh doanh đa dạng và phân bổ thị trường hợp lý. Do đó, dù môi trường vĩ mô có những biến động, ACB vẫn kỳ vọng sẽ không phải chịu tác động đáng kể và tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16 - 18%.

Một điểm đáng chú ý trong kỳ vọng chung ở năm 2025 là các ngân hàng tin rằng dư nợ tín dụng sẽ đạt 16,4%, cho thấy sự lạc quan ngay từ bệ phóng của quý đầu năm.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng BIDV cho rằng, với kịch bản cơ sở tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7% (thận trọng trong bối cảnh biến động toàn cầu), tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14 - 15% (do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm với giá bất động sản còn cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân).

Nhấn mạnh về vai trò nguồn vốn, ông Lực dự báo thanh khoản của các ngân hàng sẽ dồi dào (với sự hỗ trợ của NHNN) và mặc dù lãi suất thấp, tiền gửi vẫn sẽ tiếp tục thu hút người dân. Theo số liệu NHNN công bố, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng tháng 1/2025 đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024. Sụt giảm huy động gây áp lực lên nhà điều hành ở góc độ giải bài toán hỗ trợ vốn, thanh khoản cho hệ thống, cân đối giữ mặt bằng lãi suất thấp và ổn định tỷ giá. Chọn NIM hạ thêm, hay bằng mọi phương thức tăng CASA,… sẽ là giải pháp để các tổ chức tín dụng tăng lực tiếp vốn với chi phí phù hợp, mở rộng tín dụng theo mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng trưởng tín dụng khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO