Kinh tế thế giới

Châu Á cần động lực tăng trưởng mới dưới sức ép thuế quan

Cẩm Anh 04/05/2025 04:05

Theo nhiều chuyên gia, các nền kinh tế Châu Á cần tìm một hướng đi khác để thay đổi động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã kéo dài nhiều thập kỷ trong bối cảnh căng thẳng thuế quan.

Screenshot 2025-05-03 203922
Cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc - Ảnh: AFP

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Đông Á như Nhật Bản và những “con hổ châu Á” như Hàn Quốc, Singapore đã áp dụng mô hình nền kinh tế mở và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Ngược lại, Ấn Độ lựa chọn chính sách thay thế nhập khẩu, đánh thuế hàng hóa ngoại nhập để khuyến khích sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã đẩy nhiều nền kinh tế vào ngõ cụt khi thị trường Mỹ thu hẹp lại sau những bức tường thuế quan, còn thị trường Trung Quốc ngày càng tự cung tự cấp, và có thể sắp tới là cả một bộ phận lớn ở châu Âu.

Tất cả những điều này không thể chỉ đổ lỗi hoàn toàn cho các mức thuế của Mỹ. Theo ông Anthony Rowley, một nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á chỉ ra trong một bài viết trên SCMP, những xu hướng tiêu cực đã manh nha từ trước, khi sự lệ thuộc quá mức vào tiêu dùng và nhập khẩu của Mỹ và các nước phương Tây (kèm theo mất cân bằng thương mại) ngày càng trở nên không bền vững cả về kinh tế lẫn chính trị.

“Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của châu Á từng mang lại sự thịnh vượng chưa từng có. Nhưng thế giới đã thay đổi,” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố gần đây. Với một số mức thuế cao nhất của Mỹ nhắm vào châu Á, khu vực đóng góp gần 60% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm ngoái, hệ thống kinh tế toàn cầu đang được thiết lập lại.

IMF cảnh báo: “Mô hình tăng trưởng từng rất thành công của khu vực châu Á khi dựa vào tự do hóa thương mại và hội nhập đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn.”

Ông Rowley nhận định, công nghiệp hóa ở châu Á trước kia từng bị kìm hãm khi các cường quốc phương Tây tìm cách chi phối thị trường thế giới bằng cách biến các nước đang phát triển thành nơi cung cấp nguyên liệu thô. Tuy nhiên, Thế chiến II đã khiến Anh và nhiều quốc gia khác ở châu Âu kiệt quệ về tài chính, khiến quyền lực toàn cầu của họ suy yếu, trong khi Mỹ lại vươn lên như một cường quốc mới. Khi đó, Trung Quốc hầu như chưa có vai trò gì về kinh tế.

"Từ đó, quá trình phát triển công nghiệp và kinh tế lan rộng ra Đông Á thông qua Nhật Bản. Giới kinh tế học khi ấy không tiếc lời ca ngợi mô hình "đàn ngỗng bay” do Nhật Bản dẫn đầu, coi đó là phép màu kinh tế châu Á”, ông nói thêm.

Phần lớn các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu 15% hoặc thấp hơn.
Nhu cầu xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới cho châu Á trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu giả định rằng luôn có đủ nhu cầu từ các nước nhập khẩu. Nhưng điều đó hiện không còn đúng nếu nhìn từ góc độ của nhiều quốc gia châu Á.

Mỹ đã quay sang trạng thái bảo hộ, trong khi Trung Quốc, thị trường lớn còn lại, quyết tâm tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa, ngay cả khi Nhật Bản và châu Âu lo ngại Trung Quốc sẽ sản xuất dư thừa để bán ra nước ngoài.

Chính IMF cũng thừa nhận rằng triển vọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã u ám hơn và công bố mức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực kể từ sau đại dịch, giảm 0,5%.

Giờ đây, IMF dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay, so với 4,6% của năm ngoái, do “nhu cầu toàn cầu suy yếu, thương mại giảm sút, điều kiện tài chính thắt chặt và mức độ bất định gia tăng”.

Tuy nhiên, tăng trưởng của Ấn Độ, nền kinh tế ít mở cửa hơn phần còn lại của khu vực, được dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ, xuống còn 6,2% trong năm nay và 6,3% vào năm sau.

Điều này dường như cho thấy rằng các nền kinh tế được bảo vệ bởi các biện pháp bảo hộ có vẻ an toàn hơn so với những nền kinh tế hoàn toàn mở cửa cho tự do thương mại.

Trước khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các nền kinh tế Đông Nam Á và nhiều nơi khác trong khu vực đã mở cửa cho dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào (tương tự như các nước Mỹ Latinh trong thập niên 1980, dẫn đến khủng hoảng Mỹ Latinh). Sau đó, châu Á đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều nền kinh tế trong khu vực lao đao.

Điều này đã dẫn đến những lời kêu gọi thành lập một “IMF châu Á” để đưa ra lời khuyên và hỗ trợ tài chính “nội địa” thay vì phụ thuộc vào Washington. Trong khi đó, Trung Quốc nhờ vẫn duy trì kiểm soát vốn một cách thận trọng đã tránh được cuộc khủng hoảng này.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới cho châu Á trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thay vì tiếp tục lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, các quốc gia trong khu vực cần chuyển hướng mạnh mẽ sang thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư vào năng lực sản xuất tự chủ, đổi mới công nghệ và tăng cường liên kết nội khối. Điều này không chỉ giúp củng cố sức đề kháng trước những cú sốc bên ngoài, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong dài hạn.

Các chính sách công nghiệp cần được thiết kế thông minh hơn, với trọng tâm là nâng cao năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á cần động lực tăng trưởng mới dưới sức ép thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO