Kinh tế thế giới

Châu Á thận trọng trước lệnh tạm hoãn thuế quan của ông Trump

Cẩm Anh 11/04/2025 11:11

Nhiều chuyên gia cảnh báo dù ông Trump đã hạ thuế đối ứng, nhưng thuế suất 10% vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Do đó, châu Á vẫn thận trong về vấn đề này.

Ảnh màn hình 2025-04-10 lúc 19.42.41
Nhiều nước ASEAN vẫn thận trọng với quyết định tạm hoãn thuế quan của ông Trump Ảnh: Reuters

Các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp châu Á hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm mức thuế đối ứng đối với hầu hết các quốc gia xuống còn 10% trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng ngay cả mức thuế này, kết hợp với mức thuế đã tăng lên đối với Trung Quốc, vẫn sẽ kéo dài tình trạng bất ổn cho các doanh nghiệp và thị trường tài chính.

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Malaysia, ông Zafrul Aziz, người chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào sáng thứ Năm để thảo luận về cuộc chiến thương mại, phát biểu: “Không có gì chắc chắn ngoài sự bất định khi nói đến thuế quan của ông Trump.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Malaysia sẽ tiếp tục thúc đẩy một phản ứng phối hợp ở cấp độ khu vực trước những thách thức này.

“Chúng tôi hoan nghênh việc tạm dừng tăng thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia mà Tổng thống Donald Trump công bố. Tuy nhiên, mức thuế cơ bản 10%, cùng với mức thuế hiện nay lên tới 125% đối với Trung Quốc, vẫn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và thương mại toàn cầu, trong đó có Malaysia. Biến động này tạo ra những thách thức đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN", Nikkei Asia trích lời ông Zafrul.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN để thúc đẩy một phản ứng khu vực mang tính phối hợp trước những thách thức này. Sự đoàn kết trong ASEAN và hội nhập kinh tế khu vực sẽ quan trọng hơn bao giờ hết, và chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ từ các đối tác có cùng tầm nhìn và mong muốn thấy ASEAN phát triển", ông nhấn mạnh.

Tổng thống Trump cho biết ông đang giảm mức thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia để tạo điều kiện cho họ đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với Washington.

Trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản, ông Ryosei Akazawa, cho biết việc tạm dừng áp thuế trong 90 ngày không làm thay đổi lập trường của Nhật Bản đối với thuế quan của Mỹ. Nhật Bản hiện vẫn chịu mức thuế 10%, và ngành công nghiệp quan trọng nhất của nước này là ô tô đang bị áp mức thuế lên tới 25% theo các biện pháp thuế đơn phương mà Tổng thống Trump áp đặt trước đó, bao gồm cả thép và nhôm.

"Vì các mức thuế này vẫn không thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ xem xét lại các biện pháp đó", ông Akazawa nói với báo giới hôm thứ Năm, đồng thời cho biết ông sẽ đến Mỹ càng sớm càng tốt để đàm phán.

Ảnh màn hình 2025-04-10 lúc 19.43.26
Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN tại cuộc họp kéo dài hai ngày tại Kuala Lumpur. Ảnh: Bernama/Nikkei Asia

Ông Cheong In-kyo, đại diện thương mại cấp cao của Hàn Quốc, đánh giá việc tạm hoãn thuế của ông Trump là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận tại Washington với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, ông cho biết chính phủ Hàn Quốc lo ngại về những tác động lan tỏa từ mức thuế 125% mà Mỹ đang áp lên Trung Quốc. Ông cảnh báo rằng hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc không thể xuất sang Mỹ có thể tràn vào các thị trường mà Hàn Quốc cũng đang xuất khẩu tới.

Tại cuộc hội đàm với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị, mặc dù Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày, nhưng hai nước cần sớm đàm phán một thoả thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Năm ngoái, Việt Nam đã ghi nhận thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD với Mỹ. Thông cáo nêu rõ Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam và đẩy mạnh chống gian lận thương mại.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu với báo chí rằng vì nhiều nước sẽ đàm phán với Washington, Thái Lan sẽ cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và xem xét tất cả các khía cạnh.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), ông Nazir Razak, cũng hoan nghênh động thái của ông Trump nhưng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều bất định lớn, khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

“Các thị trường tài chính sẽ vẫn ở trong trạng thái bất an vì sự thiếu chắc chắn và biến động dữ dội trong những ngày gần đây. Chúng tôi kêu gọi Mỹ cung cấp càng nhiều thông tin rõ ràng càng tốt về các điều kiện cho các cuộc đàm phán thuế quan sắp tới", ông Nazir nói với Nikkei.

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, nhận định rằng các chính sách thuế quan của ông Trump đang gây hỗn loạn cả trên thị trường và đối với doanh nghiệp.

“Điều này gây bất ổn, không tốt cho kinh tế toàn cầu, và đặc biệt bất lợi cho các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào thương mại như các nước Đông Nam Á", Nikkei trích lời ông Humphrey.

Ông John Paolo Rivera, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines (PIDS) nhận định động thái mới nhất của Trump nên được nhìn nhận như một tín hiệu mang tính chiến lược.

“ASEAN có thể ngày càng đóng vai trò là trung tâm sản xuất và thương mại cho các doanh nghiệp đang tìm cách né tránh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy có nguy cơ bị kiểm soát chặt hơn về gian lận xuất xứ, nhưng đây cũng là cơ hội", ông chỉ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á thận trọng trước lệnh tạm hoãn thuế quan của ông Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO