Tín dụng - Ngân hàng

Kiều hối chuyển về khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là "điểm đến"

L.Mỹ 18/04/2025 11:05

Dù thay đổi về cơ cấu, kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong đó, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng kiều hối dẫn đầu tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cho biết, đến cuối tháng 3/2025 tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 2,412 tỷ USD, bằng 25,3% so với cả năm 2024 và tăng 19,6% so với quý trước (quý IV/2024).

USD tien xoe
Chính sách kiều bào và phát triển thị trường lao động cũng là hai trong những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến thu hút nguồn lực kiều hối của Việt Nam. Ảnh minh họa

Kiều hối chuyển về trong 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. So với cùng kỳ các năm trước, lượng kiều hối chuyển về quý I/2025 thấp hơn quý I/2024 nhưng cao hơn quý I/2023 và quý I/2022 (cụ thể, lượng kiều hối chuyển về quý I/2024 là 2,896 tỷ USD; quý I/2023 là: 2,119 tỷ USD và quý I/2022 là 1,775 tỷ USD), ông Lệnh cho biết.

Phân tích đánh giá về tình hình kiều hối chuyển về trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 3 tháng đầu năm 2025, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, có sự gắn liền với một số điểm nổi bật gồm:

Thứ nhất, mặc dù cơ cấu, tỷ trọng kiều hối phân theo khu vực có sự thay đổi, song kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 48,7% và tăng 46,1% so với quý trước (quý IV/2024 ). Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác.

Thứ hai, các yếu tố tác động tích cực đến nguồn kiều hối chuyển về tiếp tục được phát huy và gắn liền với hiệu quả cơ chế chính sách về tiền tệ và ngoại hối; môi trường đầu tư kinh doanh; sự phát triển của thị trường lao động và hiệu quả hoạt động của các công ty kiều hối và các ngân hàng thương mại, với chất lượng dịch vụ tốt, mang lại lợi ích và sự tiện lợi tối đa cho người thụ hưởng.

Theo đó, lượng kiều hối chuyển về qua các công ty kiều hối trong quý đạt 1,757 tỷ USD và qua các ngân hàng thương mại đạt 655 triệu USD.

Thứ ba, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh, kinh tế đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục tăng trưởng tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự phát triển ấn tượng của các hoạt động du lịch, văn hóa thể thao gắn với những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc và những hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến việc thu hút kiều hối và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Năm 2025, theo dự báo của World Bank, xu hướng tăng trưởng kiều hối toàn cầu sẽ đi ngang, lượng kiều hối luân chuyển trên toàn cầu vào khoảng 137 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 136 tỷ USD của năm 2024. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nhận lượng kiều hối với tốc độ tăng trưởng khả quan.

Trước đó, World Bank và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư thống kê, trung bình 3 năm gần nhất (tính đến 2024) Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam.

Theo định chế tài chính này, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung, Việt Nam vẫn giữ vị trí top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiều hối chuyển về khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao, TP Hồ Chí Minh tiếp tục là "điểm đến"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO