Việc mở rộng và tăng cường thương mại với các quốc gia khác ở châu Á có thể giúp giảm tác động tiêu cực đối với tăng trưởng GDP của Trung Quốc.
Tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm tới 1% trong năm nay nếu mức thuế nhập khẩu tăng vọt từ Mỹ vẫn được duy trì,. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc với Đông Nam Á có thể giúp bù đắp phần nào thiệt hại đó.
Ông Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế trưởng của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), cho biết mức thuế nhập khẩu 245% của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ kìm hãm đáng kẻ đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.
Ông Khor cho biết các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào các nền kinh tế ASEAN, khu vực có tổng dân số lên tới 698 triệu người, vẫn đang tiếp tục gia tăng, và sẽ giúp cả hai bên giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Ông chỉ ra rằng các mặt hàng như tấm pin năng lượng mặt trời, xe điện và pin là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tăng cường cung ứng cho khu vực này. Trung Quốc cũng xuất khẩu nguyên vật liệu thô sang Đông Nam Á để phục vụ sản xuất.
AMRO ước tính rằng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào ASEAN đã tăng gấp đôi kể từ sau đại dịch. “Không chỉ đơn thuần là Trung Quốc bán hàng cho ASEAN, mà là hướng tới xây dựng một nền kinh tế khu vực tích hợp hơn,” Business Times trích lời ông Allen Ng, chuyên gia kinh tế chính của AMRO, phát biểu tại một cuộc hội thảo.
Chỉ khoảng 12% kim ngạch xuất khẩu từ khu vực ASEAN mà AMRO theo dõi hiện thuộc diện chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan đối ứng toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phần lớn các mức thuế mà ông Trump công bố vào ngày 2/4 đã được tạm hoãn trong vòng 90 ngày, trong khi các nước thành viên ASEAN như Singapore và Việt Nam đang đàm phán với Mỹ về chính sách thương mại của họ.
Theo AMRO, các quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, từ mức 24% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 xuống dưới 15% hiện nay, trong khi thương mại giữa các nước trong khu vực đã tăng gấp ba lần trong cùng kỳ.
“Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn trong việc giúp đa dạng hóa các nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các ngành công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ các nước khác giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ khi cần thiết,” ông Khor cho biết.
AMRO đưa ra dự báo dựa trên tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm, theo sau là các giai đoạn yếu hơn, đặc biệt là nửa cuối năm. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức khoảng 5% cho năm 2025.
Bên cạnh mối quan hệ ngày càng sâu sắc với ASEAN, Trung Quốc cũng đang tích cực củng cố và mở rộng quan hệ thương mại với các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Nam Á, nhằm tạo ra mạng lưới liên kết kinh tế đủ mạnh để đối phó với sự bất định từ thị trường Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là ba mắt xích chủ lực trong chuỗi cung ứng công nghệ và linh kiện điện tử toàn cầu. Dù có những khác biệt về địa chính trị, quan hệ thương mại giữa ba nước vẫn tiếp tục phát triển theo hướng bổ sung lẫn nhau.
Đặc biệt, Sáng kiến FTA Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc tuy chưa hoàn tất, vẫn được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác quan trọng cho thương mại khu vực.
Cơ quan giám sát kinh tế AMRO đã theo dõi các diễn biến tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối 10 nước ASEAN, cho biết sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nơi mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 525 tỷ USD vào năm 2024, sẽ khiến nước này chịu thiệt hại trong năm nay và năm sau nếu mức thuế không thay đổi, với dự báo tăng trưởng GDP chỉ còn 4% vào năm 2026.