Châu Âu và sáng kiến “kết nối toàn cầu”
Cảng biển Piraeus được xem là một cực phẩm ở châu Âu - giờ đây đã trở thành cửa ngõ để Trung Quốc dễ dàng tiến vào “lục địa già”.
BRI đã làm gì ở châu Âu?
Bên bờ biển Địa Trung Hải, Italy đã mở cửa ít nhất 4 cảng biển cho Trung Quốc đầu tư trong khuôn khổ dự án “Vành đai và Con đường”. Đó là cảng biển lớn nhất ở Genoa; cảng Sicilian trên đảo Sicily.
Bên cạnh đó, một quốc gia khác tọa lạc bên bờ biển này là Hy Lạp đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc từ năm 2019 sau chuyến công du của ông Tập. Một số báo cáo cho biết, Trung Quốc đã chi hơn 1 tỷ Eur vào lĩnh vực bất động sản ở Hy Lạp.
Cảng biển Piraeus ở Đông Nam Hy Lạp được xem là một cực phẩm ở châu Âu - giờ đây đã trở thành cửa ngõ để Trung Quốc dễ dàng tiến vào “lục địa già”. Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận thuê 35 năm trị giá 490 triệu Eur.
Nhà báo Hy Lạp, Alexander Smoltczyk miêu tả trong bài viết “Một bến cảng, hai thế giới”: Văn phòng công ty Trung Quốc tại đây được trang trí theo phong cách Á - Âu lẫn lộn. Cành ô liu bên cạnh khóm hoa mẫu đơn, tượng thần biển Poseidon đặt cạnh tượng gốm nung một chiến binh Trung Hoa cổ. Mô hình đền Parthenon và Tử Cấm Thành.
Đó là lát cắt nhỏ thể hiện tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu là lớn như thế nào và con đường đi của Bắc Kinh là khôn khéo ra sao. Tất cả những điều ấy khiến EU và Mỹ bồn chồn.
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo từng cảnh báo, nếu không cẩn thận Hy Lạp có thể rơi vào bẫy nợ do Trung Quốc giăng ra. Alicia García-Herrero, nhà nghiên cứu tại Bruegel bình luận, chúng ta không thể nhập khẩu đến 90% sản phẩm quan trọng thông qua cảng biển do Trung Quốc sở hữu.
Châu Âu vá lỗi
Quốc gia ứng cử viên của EU là Montenegro đang phải vật lộn để trả khoản vay Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD cho một kế hoạch xây đường cao tốc. Italy bất đồng quan điểm với EU về chỉ tiêu mức thâm hụt ngân sách, Anh đã rời khối, Áo, Italy dự định tương tự,… có thể nói EU ngày càng tỏ ra thiếu linh hoạt.
Cosco là công ty vận tải biển do chính tay ông Mao Trạch Đông thành lập vào năm 1961, đến năm 2008 nó bắt đầu “bén rễ” ở châu Âu. “Viên toàn quyền” Cosco tại châu Âu là người đã sinh sống khá lâu ở Hy Lạp trước khi tiếp quản nhiệm vụ “khai thông đường vào lục địa già”.
Không phải người châu Âu không nhận ra nguy cơ này, thậm chí họ biết từ rất sớm, song nói như nhà điều hành Cosco, “Đã 4 lần Hy Lạp đổi chính phủ kể từ khi tôi bắt đầu đến đây. Họ nói rất nhiều. Nhưng ai quan tâm đến những lời nói đó cơ chứ? Chỉ có những hành động mới là quan trọng. Chỉ những hành động mà thôi”.
Sau khi G7 ra mắt chương trình “Xây dựng thế giới tốt hơn” trị giá 40.000 tỷ USD, đến lượt EU ngày 12/7 ra mắt kế hoạch “Một châu Âu kết nối toàn cầu”. Kế hoạch của châu Âu chú trọng cả các hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống như cầu đường, bến cảng, lẫn các hợp tác trong lĩnh vực kết nối số, tạo lập các khuôn khổ pháp lý đề cao tính minh bạch về tài chính, tạo dựng các tiêu chuẩn quốc tế dựa trên luật lệ.
Mặc dù không nhắc đến Bắc Kinh, nhưng kế hoạch của châu Âu là tạo ra đối trọng và chạy đua với Trung Quốc, tránh rủi ro chiến lược trong tương tai. Liệu có thể phát huy giá trị châu Âu như mong muốn?
Mô hình khối ở châu Âu tỏ ra chậm chạp, trong khi đó BRI đã có mặt ở 138 quốc gia với 2.500 tỷ USD vốn đầu tư. Các nước có dễ dàng dứt bỏ ảnh hưởng Trung Quốc để hợp tác với châu Âu?
Châu Âu hiện có 3 thành viên nhóm G7 là Anh, Đức, Pháp - các nước này cũng cam kết cùng Mỹ huy động 40.000 tỷ USD cho chương trình “Xây dựng thế giới tốt hơn”. Vì vậy, có thể tạo ra mâu thuẫn ở các thành viên chủ chốt EU, nên phân bổ nguồn vốn cho bên nào?
Rõ ràng, quan hệ Trung Quốc - EU không đơn giản để có thể triển khai thuận lợi “Châu Âu kết nối toàn cầu”.
Có thể bạn quan tâm
B3W có thể đấu lại BRI?
06:00, 05/07/2021
Trung Quốc “bẻ lái” sáng kiến BRI
05:00, 04/07/2021
Hủy thỏa thuận BRI, Úc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc
01:32, 23/04/2021
Đối trọng mới của "Vành đai và Con đường"
05:30, 14/06/2021
G7 sắp xây dựng dự án thay thế Vành đai và Con đường của Trung Quốc?
11:00, 06/06/2021