TP.HCM một năm thực hiện Chỉ thị 16: Bi tráng và tự hào
Tròn một năm, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Đây là đợt giãn cách xã hội dài nhất trong lịch sử, với gần 3 tháng đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc.
>>>TP.HCM tăng trưởng chậm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng vùng
Đúng 0 giờ ngày 9/7/2021, Chỉ thị 16 được áp dụng tại TP.HCM với nhiều biện pháp tăng cường phòng dịch. Người dân không được ra khỏi nhà trừ những trường hợp cấp thiết như mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ; mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải tạm dừng hoạt động để tập trung cho công tác phòng chống dịch.
Quyết định được đưa ra khi dịch bệnh tại TP.HCM đang trong giai đoạn căng thẳng, dịch bệnh đã chuyển sang cấp độ 3, với hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo UBND TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thống nhất quan điểm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép, nhưng trong lúc này, Thành phố ưu tiên cao nhất cho công tác chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Nói về quyết định lịch sử này, Chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ cho rằng, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, Thành phố xác định cần phải làm quyết liệt, xem đây là cuộc chiến thực sự và phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn.
Theo tinh thần của Chỉ thị 16, người dân Thành phố nghiêm chỉnh cấp hành “ai ở đâu ở yên đấy”, người dân được cấp giấy đi chợ theo hình thức tem phiếu, ngày chẵn – lẻ, ra đường thì phải có giấy thông hành…
Lúc bấy giờ, người dân Thành phố, ai cũng nghĩ rằng sau 15 ngày, mọi thứ lại được trở lại bình thường. Nhưng dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và Thành phố phải kéo dài thực hiện Chỉ thị 16, rồi 16+ đến gần 3 tháng, chỉ được nới lỏng vào vào đầu tháng 10, khi tình hình dịch bệnh đã dần ổn định hơn.
Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 cũng là lúc dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát và lây lan nhanh nhất. Chỉ sau hơn một tuần thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh tại Thành phố đã chuyển sang cấp độ 4, với hàng chục nghìn ca mắc mỗi ngày. Thành phố đã phải huy động gần 100 bệnh viện điều trị COVID-19 và hơn 200 cơ sở cách ly F0. Đồng thời, tập trung nguồn lực với hơn 8.000 y, bác sĩ, gần 16.000 điều dưỡng và 1.500 kỹ thuật viên chăm sóc F0.
Có những ngày cao điểm, Thành phố ghi nhận 17.000 – 18.000 ca nhiễm và 350 ca tử vong vì COVID-19. Hệ thống y tế của Thành phố trở lên quá tải, các bệnh viện dã chiến thu dung luôn kín người bệnh, sức nóng trong những bệnh viện điều trị COVID-19 tăng lên từng ngày, từng giờ. Ở đó, các y, bác sĩ căng mình giành giật lại từng hơi thở cho người bệnh, hàng nghìn bệnh nhân đã được cứu sống, nhưng ở đó cũng chứng kiến hàng trăm đồng bào không thể vượt qua. Đó cũng là những ngay “đau thương” và mất mát nhất mà người dân Thành phố đã phải trải qua.
Cả Thành phố đã trải qua những ngày đỉnh điểm, khó nhăn nhất chưa từng có của dịch bệnh. Nhưng cũng chính trong giai đoạn khó khăn này, Thành phố đã nhận được sự chung tay, chi viện của cả nước. Đặc biệt là được Chính phủ ưu tiên phân bổ vắc xin phòng COVID-19 để Thành phố sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, cùng với sự hỗ trợ về nguồn nhân lực để chống dịch.
Cuối tháng 7/2021, 3 trung tâm hồi sức cấp cứu COVID-19 được Bộ Y tế thành lập với sự đảm nhiệm của BV Bạch Mai, BV Việt Đức và BV Trung ương Huế đã góp phần giành lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 nặng. Lúc cao điểm của dịch bệnh, Thành phố đã nhận sự hỗ trợ của khoảng 17.000 y, bác sĩ, sinh viên y khoa từ các bệnh viên, các học viện y khoa, các địa phương trên cả nước như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh…cùng hàng trăm tấn trang thiết bị y tế, trang phục bảo hộ.
>>>Chủ tịch UBND TP.HCM: "Giao cơ chế đặc thù nhưng khi làm vẫn phải hỏi ý kiến các Bộ"
Nguồn nhân lực y tế chi viện cho Thành phố vào lúc cao điểm nhất lên tới 132 đơn vị, với số người tham gia chống dịch lên đến 187.000 người, trong đó, có gần 30.000 người chi viện từ khắp nơi trên cả nước. Đây là sự huy động lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử đối với đội ngũ Y, bác sĩ của ngành y.
Những ngày giãn cách xã hội, lực lượng công an, quận đội dãi nắng, dầm mưa kiểm soát trên từng tuyến đường, đi chợ hộ, vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; những tình nguyện viên đã không quản ngại hiểm nguy tham gia chăm sóc F0, cung ứng oxy miễn phí khi người dân cần. Họ tham gia vào “cuộc chiến” với tâm thế của những người “chiến sĩ” và đã có hàng nghìn người bị nhiễm COVID-19, trong đó, có nhiều người đã ngã xuống để nhân dân được sống.
Trong suốt 5 tháng chống chọi với dịch bệnh, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào trên cả nước, Trong đó, TP.HCM đã có 18.000 đồng bào mãi mãi nằm xuống trong đau thương và đơn độc. Và cho đến nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 đồng bào trên cả nước. Con số này đã nói lên sự khốc liệt của dịch bệnh chưa có tiền lệ trong lịch sử không chỉ với người dân Thành phố mà còn với người dân của cả nước.
Đến nay đã tròn 1 năm, sau ngày “lịch sử” đó, sự u ám của dịch bệnh bao chùm Thành phố hơn 10 triệu dân đã không còn, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã được khôi phục hoàn toàn, những con phố, quán xá, nhà hàng, những Trung tâm thương mại và những khu chợ dân sinh…đã đông đúc trở lại. Và TP.HCM đã trở lại là chính mình. Kinh tế - xã hội của Thành phố đã phục hồi nhanh và đồng bộ trên mọi lĩnh vực như khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa qua.
Có được những kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ; sự chi viện của các địa phương, nhân dân cả nước. Còn là sự đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của chính quyền và nhân dân Thành phố. Và hơn ai hết, đó là sự cống hiến, hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành Y. Chúng ta cũng biết ơn những liều vắc xin phòng COVID-19 quý giá từ bạn bè năm châu, từ sự sẻ chia và ưu tiên vắc xin của đồng bào cả nước cho Thành phố, góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố.
Trong những ngày gần đây, nỗi lo về một đợt bùng phát dịch bệnh mới tại TP.HCM lại trở nên hiện hữu, khi Thành phố đã ghi nhận những ca mắc biến thể mới với cơ chế lây lan nhanh hơn. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân thể hiện qua việc tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung và nhắc lại (mũi 3,4) còn rất thấp ở một số địa phương. Lãnh đạo ngành Y tế TP.HCM đã cảnh báo nguy cơ và có phương án kích hoạt lại các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 khi dịch bệnh có những diễn biến phúc tạp hơn.
Tuy nhiên, để bảo vệ những thành quả đã đạt được, hơn bao giờ hết, mỗi người dân Thành phố cần phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan, đoàn thể của các địa phương trong Thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò quan trọng của vắc xin đối với việc phòng, chống dịch bệnh, để người dân chủ động tiêm phòng vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và nhắc lại nhằm tự bảo vệ mình và cộng đồng. Và quan trọng hơn hết là ngăn không để những “đám mây” u ám quay trở lại “bầu trời” Thành phố như những ngày lịch sử cách đây tròn một năm, để Thành phố mãi là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt cả nước cùng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM tăng trưởng chậm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng vùng
12:53, 09/07/2022
Chủ tịch UBND TP.HCM: "Giao cơ chế đặc thù nhưng khi làm vẫn phải hỏi ý kiến các Bộ"
22:02, 07/07/2022
TP.HCM sẽ chấm dứt hợp đồng với hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm
17:40, 06/07/2022
Vì sao TP.HCM đề xuất xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ?
00:02, 06/07/2022
TP.HCM: Chính thức dừng dự án BOT Võ Văn Kiệt nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương
22:03, 01/07/2022
Cấp đổi CCCD tại TP.HCM: Cán bộ tiêu cực do kẽ hở chính sách?
01:04, 01/07/2022