Nhóm cổ phiếu nào hưởng lợi từ đầu tư công?
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 quý cuối năm nay bắt buộc phải đẩy mạnh đầu tư công để kích thích tăng trưởng GDP. Vậy nhóm cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi từ đầu tư công?
Nhóm ngành hưởng lợi
Mới đây, Công ty Chứng khoán Agriseco đưa ra báo cáo đánh giá rằng hiện tồn dư ngân sách từ 2019 chuyển sang 2020 hơn 225 nghìn tỷ đồng. Cùng với kế hoạch giải ngân năm 2020 là 470 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách đầu tư công nếu đạt kế hoạch sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế để có thể hồi phục đi lên theo hình chữ V theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giải ngân đầu tư công có tác động trực tiếp và gián tiếp lên nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt hạ tầng của các khu vực kinh tế trọng điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta đã trải qua quý 1 tăng trưởng rất thấp, gần như chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái. Đây là vấn đề rất tiêu cực, nếu tình trạng này tiếp diễn, có khả năng chúng ta sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020. Do đó, quý 3 và 4 là hai quý trọng tâm để thúc đẩy đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế".
Trong lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ đã triển khai một số dự án trọng điểm, trong đó có dự án sân bay Long Thành, hoặc một số dự án hạ tầng khác. Chính vì vậy, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công chính là nhóm vật liệu xây dựng như đá, thép... Đối với ngành đá, chúng ta có một số mã như DHA, CTI; đối với ngành thép có HPG là một trong số những doanh nghiệp hàng đầu trong danh mục này. Bên cạnh đó còn có một số cổ phiếu ngành hạ tầng như SCM, C4G…
Ngoài ra, Agriseco cũng cho rằng một số nhóm khác sẽ hưởng lợi từ việc giải ngân đầu tư công như khai thác đá (KSB, NNC,…); xi măng (HT1, BCC…), hay Nhựa đường (PLC) hưởng lợi tùy thuộc vào vị trí địa lý của các dự án được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu và nhiều yếu tố khác.
Phản ứng của thị trường
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành làm sao phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) trong năm 2020 đã được thị trường đón nhận rất tích cực.
Ngay trong những phiên giao dịch đầu tháng 5, thị giá cổ phiếu C4G đã tăng tới 51% so với đầu tháng 4. Cùng mốc thời gian, thị giá cổ phiếu FCN tăng 11%, LCG tăng hơn 27%...
Đây đều là những cổ phiếu thuộc doanh nghiệp thường xuyên trúng thầu thi công các công trình giao thông trọng điểm. Dẫu vậy, để tìm kiếm được cơ hội đầu tư tốt cho năm 2020, các chuyên gia phân tích cho rằng, cần chờ đợi thêm các thông tin trúng thầu các dự án đầu tư công kể trên, cũng như năng lực thi công, năng lực thu xếp nguồn vốn và triển khai của từng đơn vị.
Cũng cần lưu ý rằng, đặc thù của hoạt động xây dựng hạ tầng là thời gian thi công thường kéo dài, việc nghiệm thu, bàn giao được thực hiện từng phần… thường mất nhiều thời gian, và các đơn vị tham gia cũng đối mặt với áp lực nguồn vốn nếu dự án bị giải ngân chậm hơn so với tiến độ.
Ngoài ra, cạnh tranh trong đấu thầu cũng rất khốc liệt. Thông tin từ C4G cho biết nhiều doanh nghiệp giảm giá thầu quá thấp, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2019, tại các dự án đầu tư BT, BOT như Cầu Hiếu 2 - Nghĩa Đàn, thủ tục kéo dài nên khó khăn trong đầu tư...
Dù các nhóm ngành trên hưởng lợi từ đầu tư công, nhưng các nhà đầu tư cần cân nhắc rủi ro trước khi quyết định đầu tư vào các cổ phiếu của các nhóm này.
Có thể bạn quan tâm
“Sóng” đầu tư công phớt lờ chất lượng tài chính doanh nghiệp
09:00, 15/05/2020
Thứ trưởng Bộ KH & ĐT: Giải ngân vốn đầu tư công 2020 sẽ đúng tiến độ
00:20, 08/05/2020
Chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công: Giải pháp cần nhưng…“chưa đủ”!
05:20, 21/04/2020
Nợ vay chèn ép HPG
16:30, 13/05/2020
C4G lên sàn UPCoM có gì hấp dẫn?
04:30, 05/12/2018
Sức ép điều chỉnh vẫn “đeo bám” PLC
05:01, 19/01/2019