Trái phiếu xanh của BIM Land hay cơ hội vốn mới của doanh nghiệp Việt?
Các doanh nghiệp, đặc biệt khối đầu tư năng lượng tái tạo, khối địa ốc có các dự án xanh, bảo vệ môi trường, liệu sẽ có cơ hội huy động vốn quốc tế tốt như BIM Land?
Trước hết, phải khẳng định thương vụ huy động vốn quốc tế đạt 200 triệu USD mà Công ty CP Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên chuyên về phát triển bất động sản thuộc Tập đoàn BIM (BIM Group) vừa công bố mới đây, là một thương vụ thành công.
Bởi trên thị trường trái phiếu quốc tế từ trước đến nay, thực tế vẫn không có nhiều doanh nghiệp Việt có thể phát hành, gọi vốn lớn, ngoài các ngân hàng lớn và các Tập đoàn. Với loại hình trái phiếu xanh (Green Bond), thì BIM Land còn là đơn vị phát hành thành công đầu tiên. Do đó, đây là một bước ngoặt mới đối với loại hình trái phiếu đang rất được thị trường quan tâm, được các định chế tài chính hàng đầu như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)...ra sức thúc đẩy, khuyến khích.
Năm 2019, theo thống kê của IMF, giá trị phát hành trái phiếu xanh ở các thị trường đang phát triển đạt 52 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước. Trái phiếu xanh ngày càng thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, các quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản...
Công cụ nợ có ý nghĩa đặc biệt này tiếp tục được phát triển kể cả trong COVID-19. Một báo cáo khác đầu năm 2021 của Moody's đưa số liệu cho biết năm 2020, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đạt mức kỷ lục 491 tỷ USD. Và hàng trăm tỷ USD trái phiếu xanh có thể mang về cơ hội vốn cho các doanh nghiệp có các dự án quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây, sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư thúc đẩy trong năm nay. Qua đó, họ tạo điều kiện tăng nguồn vốn đầu tư xã hội lớn để doanh nghiệp tham gia kích hoạt mục tiêu thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của các nền kinh tế trong tương lai.
Trở lại với trái phiếu xanh của BIM Land, như vậy 200 triệu USD mà công ty này thu hoạch được là một gợi ý, cổ vũ cho các doanh nghiệp đang có dự án nằm trong trường đầu tư có ý nghĩa xã hội, môi trường và bền vững. Và đây cũng là "lãnh địa" đầu tư đang rất cần vốn của khối năng lượng tái tạo, khối bất động sản xanh gắn đô thị, nhà ở, nghĩ dưỡng... liền với bảo vệ môi trường.
Vẫn trong thương vụ của BIM Land, trái phiếu được phát hành không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, lãi suất 7,375%, thời hạn 5 năm, được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá tín nhiệm B2 và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá tín nhiệm B. Nếu so lãi suất trái phiếu mà BIM Land trả cho trái chủ ở đợt phát hành này, với lãi suất trái phiếu cũng không chuyển đổi, không có bảo đảm và được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST) của VPBank trong đợt phát hành huy động 300 triệu USD năm 2019, dĩ nhiên mức lãi suất chưa rẻ bằng, đặc biệt khi đặt trong thời điểm hiện tại đang có tiền rẻ ngập trên thị trường. Nhưng nếu so với mặt bằng về lãi suất trái phiếu mà các Tập đoàn nói chung của Việt Nam trước nay cam kết, thì đây lại chưa phải là mức lãi suất đắt đỏ. Bên cạnh đó, lưu ý lãi suất thấp kỷ lục cho đợt huy động theo cam kết của VPBank, là lãi suất danh nghĩa chưa điều chỉnh bởi lạm phát hoặc tính lãi kép. Còn so với thị trường trong nước, khi lãi suất trái phiếu của khối doanh nghiệp bất động sản, năng lượng tái tạo hoặc khai khoáng nói chung đều đang phải từ thấp nhất 9% trở lên cho kỳ hạn 1-2 hoặc 3 năm (trừ ngân hàng có lãi suất thấp hơn), trái phiếu xanh của BIM Land rõ ràng đã chứng minh giá trị loại hình công cụ nợ mới, hấp dẫn.
Một chuyên gia đánh giá thành công của BIM Land, có sự thuận lợi mang tính thời điểm của bối cảnh chung. Cụ thể là Việt Nam mới đây đã được nâng bậc tín nhiệm tích cực bởi Moody's và Fitch Ratings - 2 trong 3 hãng tín nhiệm uy tín nhất thế giới. Cùng với sự thuận lơi có tính nền tảng nội tại, khi bản thân BIM Land không chỉ sở hữu quỹ đất và các dự án lớn, còn thụ hưởng tầm ảnh hưởng và uy tín của một Tập đoàn tư nhân đa ngành, có vị trí trong nền kinh tế.
Chuyên gia đánh giá: Cơ hội huy động vốn trên thị trường trái phiếu quốc tế, đối với doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt đối với trái phiếu Chính phủ, đang rất lớn. Bởi nhà đầu tư đang đánh giá cao kỳ tích kiểm soát dịch và giữ vững tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2020. "Tất nhiên, chúng ta đang đứng trước thử thách của đợt dịch mới và nếu kiểm soát tốt, chúng ta sẽ không chỉ giữ vững thành quả mà còn tỏa sáng như một điểm đến tươi mới trên thị trường vốn".
Dù vậy, không phải công ty nào cũng có năng lực huy động vốn bằng trái phiếu quốc tế, nhất là trái phiếu xanh. "Đặc biệt đối với khối doanh nghiệp bất động sản, càng có những khó khăn khi: Thị trường nghỉ dưỡng - phân khúc gắn với dự án xanh, bảo vệ môi trường, vẫn đang chịu tác động đại dịch; Các dự án khu đô thị phát triển theo xu thế xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí phát thải, thân thiện bảo vệ môi trường... vẫn còn khá ít và bỏ ngỏ câu hỏi về việc tiệm cận và đạt chuẩn tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế. Do đó, trái phiếu quốc tế trước mắt vẫn sẽ chỉ là kênh huy động vốn "đặc quyền", dễ thành công với những Tập đoàn lớn, có sự thu hút và danh tiếng mà nhà đầu tư ngoại đã biết đến ít nhiều".
Ngoài ra, kinh nghiệm trên thị trường vốn cũng có giá trị đối với doanh nghiệp khi dự kiến dùng công cụ nợ gọi vốn lớn. Bản thân BIM Land từng được thu xếp hai khoản vay với tổng trị giá lên tới 137,5 triệu đô la Mỹ từ cả IFC và Credit Suisse. Và lần này Credit Suisse lại là 1 trong 3 ngân hàng tư vấn, thu xếp phát hành, bên cạnh Standard Chartered Bank và UBS.
Cuộc thâm nhập thị trường quốc tế, rõ ràng, không chỉ phải có nền tảng hay chuẩn bị kĩ càng là đủ, mà còn phải có đồng hành của những định chế quyền lực.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản “áp đảo” phát hành trái phiếu
04:00, 04/05/2021
Những ông lớn nào đã phát hành trái phiếu ra công chúng quý I/2021?
05:20, 30/04/2021
Phản hồi doanh nghiệp: Trái phiếu VSETGROUP tồn tại nhiều rủi ro?
05:30, 29/04/2021
Phát hành trái phiếu xanh sao cho hiệu quả?
16:00, 17/04/2021