Cổ phiếu nhiệt điện nào sẽ tỏa nhiệt?
Cổ phiếu nhóm ngành nhiệt điện tiếp tục nổi sóng và hút mạnh dòng tiền trên cả ba sàn giao dịch. Tuy nhiên nhà đầu tư cân nhắc khi lựa chọn mua cổ phiếu của ngành này.
Phiên giao dịch ngày 27/8, cổ phiếu PPC - Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả lại tăng trần cán mốc 24.150 đồng/cp; Cổ phiếu QTP - Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh tiếp tục tăng lên 17.700 đồng/cp; Cổ phiếu HDN - Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cũng tăng lên 18.000 đồng/cp; Cổ phiếu NT2 - Công ty CP Điện lực Nhơn Trạch tăng trần cán mốc 20.450 đồng/cp… Có thể nói so với mặt bằng chung của thị trường thì nhóm cổ phiếu này tăng thấp nhất từ đầu năm so với chỉ số mặt bằng chung của chỉ số VN-Index… Tuy nhiên trái với đà tăng của nhóm cổ phiếu thì nhà đầu tư nên lựa chọn mã hàng hóa của doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.
Cụ thể, QTP đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021.Riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 2.471,6 tỷ đồng tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí giá vốn hàng bán lại giảm 3,8% xuống còn 2.213,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt hơn 258 tỷ đồng, tăng cao gấp 4,3 lần so với quý 2/2020. Biên lợi nhuận cải thiện đáng kể lên mức 10,5% trong khi quý 2/2020 chỉ đạt 2,5%.
Trong kỳ hoạt động tài chính mang về khoản thu 16,6 tỷ đồng tăng 64%. Phía QTP cho biết do hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng ổn định, dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất điện thuận lợi. Công ty linh hoạt trong kế hoạch tài chính, thực hiện gửi tiền có kỳ hạn gia tăng lãi tiền gửi. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt gần 4.265 tỷ đồng, giảm 14,6% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tài chính tăng cao và tiết giảm đáng kể ở các khoản chi phí nên lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Quảng Ninh đạt 310,3 tỷ đồng tăng cao gấp 15 lần so với nửa đầu năm 2020.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Thành Công, trong 6 tháng cuối năm kinh doanh của QTP sẽ tiếp tục khả quan nhờ: Sản lượng điện được huy động cao hơn do các nhà máy thủy điện đang khô hạn hơn so với cùng kỳ, giá thị trường điện dự kiến sẽ tốt hơn mặc dù giá điện hợp đồng giảm so với năm 2020; Chi phí khấu hao giảm, doanh thu tài chính tăng do tiền gửi ngân hàng hiện đang hơn 1.000 tỷ so với 400 tỷ cùng kỳ; Chi phí tài chính giảm do dư nợ vay tại Q2/2021 đang là 2.785 tỷ so với 4.647 tỷ tại Q2/2020. So với một số Công ty cùng ngành, QTP đang có tình hình tài chính tốt hơn khi vốn chủ sở hữu gần bằng nhau như HDN nhưng vay nợ ròng thấp hơn 641 tỷ và QTP vẫn còn cổ tức 2020 chưa chia.
Tiếp đó, cổ phiếu PPC cũng tăng trần nhờ ngày 22/9 sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 12,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.250 đồng cho cổ đông. Thời gian thanh toán 22/10/2021.
Như vậy với hơn 320 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PPC chi khoảng 400 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này.
Trước đó Nhiệt điện Phả Lại đã 4 lần tạm ứng cổ tức năm 2020 cũng bằng tiền, trong đó lần 1 tỷ lệ 3,5%, lần 2 tỷ lệ 11,5% và lần thứ 3 là 18,94% và lần 4 tỷ lệ 12,5%, trong đó lần gần đây nhất, tháng 7/2021 PPC chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 4/2020 bằng tiền tỷ lệ 12,5%. Như vậy tính chung cả 5 lần Nhiệt điện Phả Lại chia cổ tức năm 2020 tổng tỷ lệ 58,94% cho cổ đông. Kết quả kinh doanh, năm 2020 PPC đạt 7.929 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.206 tỷ đồng, vượt 58% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.008 tỷ đồng giảm 20% so với năm 2019.
Cũng là doanh nghiệp trong lĩnh vực nhiệt điện, nhưng sản lượng điện thương phẩm HND trong Q2/2021 đạt 1,930 triệu Kwh, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thời tiết nắng nóng kéo dài, các thủy điện phía Bắc đều trong tình trạng khô hạn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.624 tỷ đồng (-16,1%) và 188 tỷ đồng (-65,6%) do giá điện hợp đồng bị điều chỉnh giảm 200đ/kWh so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của HND đạt 177 tỷ, giảm 76,3% so với cùng kỳ
Đối với cổ phiếu NT2, trong quí 2/2021 công ty này đạt 956 triệu Kwh (-23,0%) do sản lượng được phân bổ trong năm 2021 thấp, giá khí đầu vào cao khiến công ty khó có thể cạnh tranh trên thị trường điện. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.616 tỷ (-13,8%) và 25 tỷ (-90,0% do sản lượng điện giảm, giá điện hợp đồng bị điều chỉnh giảm 37đ/kWh và áp dụng hồi tố từ ngày 1/1/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của NT2 đạt 140 tỷ, giảm 67,3%. Với mức giá khí khoảng 7.5/mm như hiện nay, NT2 sẽ khó có thể được huy động với công suất cao. Do đó, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục kém khả quan so với năm 2020….
Từ những phân tích nhóm cổ phiếu ngành nhiệt điện trên, nhà đầu tư cân nhắc mua và sở hữu những cổ phiếu phù hợp với khẩu vị và có kết quả kinh doanh, triển vọng tích cực.
*Trưởng nhóm đầu tư 319
Có thể bạn quan tâm
Điện mặt trời mái nhà cần "khơi thông" về thủ tục
05:00, 27/08/2021
"Gỡ vướng" cho điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp
17:42, 26/08/2021
30/08: Tọa đàm "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt"
06:00, 24/08/2021
Điện năng - “tiến thoái lưỡng nan” ở Trung Quốc
06:00, 20/08/2021