Cơ hội từ cổ phiếu nông nghiệp
Nhiều cổ phiếu nông nghiệp được kỳ vọng sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2023 do giá nguyên liệu đầu vào có thể giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất…
>>>Vì sao Hoàng Anh Gia Lai bị phạt?
Tỷ giá USD/USD đã và đang có những tác động trái chiều đối với doanh nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Những tác động trái chiều
Những tác động từ tỷ giá khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo và thủy sản có thể hưởng lợi từ giá xuất khẩu cao hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn, thịt, sữa và đường chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp như BAF (Công ty CP Nông nghiệp BAF) và HAG (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) sẽ ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá.
>>>QNS “ngọt đậm” nhờ đâu?
Với khoảng 90% dầu ăn nguyên liệu được nhập khẩu, đặc biệt là dầu cọ đến từ Malaysia và Indonesia, việc tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu này gia tăng, tác động lên chi phí đầu vào mảng sản xuất dầu của KDC (Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO), vốn đang chiếm chủ đạo với tỷ trọng gần 80% tổng doanh thu của KDC.
Một doanh nghiệp khác trong ngành nông nghiệp cần chú ý đó là VNM (Công ty Cổ phần Sữa VN) sẽ phải đối mặt với một thách thức mới từ biến động tỷ giá khi 50% nguyên liệu sữa của VNM được nhập khẩu từ Châu Âu để sản xuất sữa bột và bột dinh dưỡng. Tuy nhiên, giá bột sữa có thể sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức thấp hơn 5% so với năm 2022 khi sản lượng bột sữa toàn cầu năm 2023 tăng 1,5%.
Như vậy, giá nguyên liệu thấp hơn sẽ bù đắp cho mức ảnh hưởng từ biến động tỷ giá đến biên lợi nhuận gộp của VNM trong 2023. Tuy nhiên, VNM đang duy trì sức khỏe tài chính lành mạnh với vị thế tiền mặt cao (10.718 đồng/cp) và đòn bẩy tài chính ở mức thấp (0,3 lần) giúp công ty giảm rủi ro do tăng lãi suất và biến động tỷ giá.
Trong khi đó, do thiếu mía nguyên liệu, một số doanh nghiệp sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện. Năm 2021, SBT (Công ty Thanh Thành Công) đã sản xuất 708.000 tấn đường, trong đó 210.000 tấn từ mía và phần còn lại từ đường thô nhập khẩu. Trong khi đó, QNS (Công ty mía đường Quảng Ngãi) cũng lên kế hoạch nhập khẩu 5.000 tấn đường thô để tinh luyện đường RE. Do đó, QNS và SBT sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá với các mức độ khác nhau.
Quan tâm cổ phiếu nào?
Từ những phân tích trên, nhóm cổ phiếu BAF, DBC, QNS, KDC được đưa vào danh sách theo dõi của VNDirect. Trong đó, BAF là một cổ phiếu mang tính phòng thủ với tăng trưởng lợi nhuận ròng hai chữ số (16,2% trong 2023-2024) và khả năng sinh lời ổn định (ROE>15%) trong bối cảnh lạm phát gia tăng do chi phí đẩy và thị trường vốn thắt chặt. Còn QNS được thêm vào danh sách theo dõi của VNDirect nhờ hưởng lợi từ xu hướng giá đường tăng. KDC được quan tâm do tiềm năng tăng trưởng của KDC đã được phản ánh vào giá, trong khi tăng trưởng lợi nhuận ròng thấp trong 2022 có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu DBC trong ngắn hạn.
BAF có triển vọng tích cực ngắn hạn và dài hạn bởi lợi nhuận ròng của BAF tăng trung bình 16,2% trong 2023-2024 nhờ mở rộng công suất. Trong giai đoạn 2022-2023, công ty này bước vào chu kỳ đầu tư mạnh mẽ với 2 nhà máy giết mổ, 5 trang trại lợn thịt, 2 trang trại lợn giống và 3 trang trại tích hợp lợn giống và lợn thịt. Sau khi các dự án hoàn thành, đàn lợn của BAF sẽ tăng 226% so với hiện tại và giúp công ty hoàn thiện mảng “thực phẩm” trong mô hình kinh doanh 3F. Giá mục tiêu cho cổ phiếu BAF cho 1 năm là 33.500 đồng/cp.
Đối với DBC, giá heo dự kiến tăng 5% trong năm 2023 sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp này. Chúng tôi kỳ vọng DBC ghi nhận biên lợi nhuận gộp mở rộng 1,5 điểm % trong 2023. Lợi nhuận ròng DBC được kỳ vọng tăng 68,9% trong 2023 sau khi giảm mạnh do chi phí đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Giá cổ phiếu DBC giảm mạnh 64,8% so đầu năm có thể đã phản ánh kết quả kinh doanh kém khả quan trong 2022. Giá mục tiêu cho DBC một năm là 18.600 đ/cp.
Với KDC, giá đầu vào mảng dầu ăn của KDC giảm do giá dầu cọ nguyên liệu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào tháng 6/2022. KIDO Bakery khánh thành nhà máy với quy mô 19.000 tấn, chính thức quay trở lại mảng bánh kẹo – mảng mà KDC có bề dày kinh nghiệm trong chuỗi phân phối với thị phần lớn nhất (gần 50% thị phần). Điều này giúp KDC duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2023-2024. Giá mục tiêu cho cổ phiếu KDC 01 năm là 70.900 đồng/cp.
QNS có thể tận dụng xu hướng tăng giá đường và mở rộng biên lợi nhuận do công ty có quy mô lớn thứ hai về vùng mía nguyên liệu có vị thế tốt để nắm bắt nhu cầu đường trong nước tăng. Giá đậu tương toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, giúp giảm bớt áp lực lên chi phí nguyên liệu đầu vào trong mảng sữa đậu nành. Kỳ vọng QNS ghi nhận doanh thu tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ. Giá cổ phiếu 01 năm của QNS là 50.000 đồng/cp.
Có thể bạn quan tâm