Những ngành có tín hiệu hồi phục trên thị trường chứng khoán
VN-Index vừa khép lại phiên hôm nay với chỉ số tăng 4 phiên liên tiếp và sự bùng nổ của một số nhóm cổ phiếu cơ bản, nhưng thanh khoản vẫn thấp.
>>>Động lực nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam “cất cánh”?
Chỉ số VN-Index tăng 7,12 điểm, tương đương 0,62%, lên 1.150,81 điểm, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của chỉ số này. Tuy nhiên, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE ghi nhận ở mức thấp, chỉ đạt 11.201 tỷ đồng.
Các nhóm ngành chứng khoán, dầu khí bùng nổ. Bán lẻ khởi sắc và bất động sản cũng vận động tích cực. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng kém sắc hơn.
Diễn biến cổ phiếu nhóm ngành trong phiên hôm nay có phần với trùng với danh mục dự báo các ngành có tín hiệu khởi sắc trên thị trường chứng khoán (TTCK), theo báo cáo mới nhất của SSI Research vừa công bố.
Cụ thể, SSI Research nhận định: Bước sang tháng 10, mùa cao điểm công bố kết quả Q3 của các DNNY, đây là một mùa báo cáo thu hút nhiều sự quan tâm bởi đây là quý bản lề thị trường có thể đánh giá tốc độ hồi phục của lợi nhuận trong bối cảnh GDP quý 3 phục hồi yếu.
"Mặc dù sẽ có sự phân hóa, chúng tôi vẫn kỳ vọng tốc độ suy giảm của lợi nhuận sẽ tiếp tục thu hẹp trong quý 3/2023 và lấy lại tăng trưởng từ quý 4/2023 khi áp lực nền so sánh cao giảm rõ rệt nếu nhìn vào mức tăng trưởng âm 33,5% ở quý 4/2022", báo cáo đánh giá.
>>>Cổ phiếu chứng khoán sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng trong quý 3/2023
Nhóm chuyên gia phân tích cũng cho rằng đã nhận thấy một số nhóm ngành dần có tín hiệu phục hồi như:
Nhóm Tiêu dùng:hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ có tăng trưởng so với quý trước bắt đầu từ quý 3/2023. Lưu ý đây là quý bắt đầu áp dụng chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng 2% của Chính phủ do đó ngành Tiêu dùng được kỳ vọng sẽ phục hồi sức mua.
Chính phủ mới đây đã giao Bộ Tài chính rà soát, trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) tới giữa năm 2024, tức thêm 6 tháng. Do đó, nhóm Tiêu dùng được kỳ vọng tiếp tục có động lực nâng đỡ dài hơi.
Nhóm Phân bón: Triển vọng phục hồi dần theo xu hướng phục hồi của giá ure. Ghi nhận từ thị trường cho thấy giá xuất khẩu urê tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng 46% so với mức đáy hồi tháng 6 và tháng 7, trong khi giá urê tại Biển Đen tăng 31%, còn giá urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn (lần lượt tăng 27% và 18%). Giá urê trung bình ở Việt Nam đã tăng 20% kể từ mức đáy, cùng với xu hồi phục hồi giá urê của các nước lân cận (như Trung Quốc và Indonesia).
SSI Research cho rằng, các yếu tố hỗ trợ giá urê phục hồi đến từ (1) tính chất mùa cao điểm vào nửa cuối năm, (2) giá nông sản hàng hóa tăng lên và (3) Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu (từ đầu tháng 9) để bảo đảm sản lượng urê cho tiêu dùng trong nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Và theo xu hướng này, có tác động tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thị phần lớn trong ngành, điển hình như DPM.
Nhóm Khu công nghiệp:Tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI. Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy,9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng đạt hơn 15,9 tỷ USD, con số cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Đây là tín hiệu tích cực thấy được nhưng đồng thời, thể hiện xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam dài hạn vẫn rất mạnh mé. Tờ Nikkei thậm chí còn nhận định: Việt Nam có thể sắp đón làn sóng đầu tư mới sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tháng trước.
Nhóm Chứng khoán: thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt trong quý 3/2023. Nhóm chứng khoán có nhiều điều kiện để phục hồi khi theo sự phục hồi của thị trường, lượng tài khoản mở mới nhà đầu tư tiếp tục, ghi nhận đạt gần 8% dân số Việt Nam.
Cần lưu ý rằng nhóm chứng khoán sẽ có thêm cơ hội cải thiện thị trường vận hành KRX. Bên cạnh đó, là sự vững vàng và sôi động dần lên khi lượng hàng hóa tăng hơn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nơi mà nhóm chứng khoán cũng đang chạy đua làm hồ sơ để được chấp thuận là thành viên giao dịch.
Nhóm Dệt may và Thủy sản: lượng đơn đặt hàng đơn đặt hàng trong quý 3/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý 2/2023 và dự kiến sẽ phục hồi trong quý 4/2023.
Theo báo cáo của FIDT mới đây, đây cũng là 2 ngành đáng chú ý về mức độ cải thiện phục hồi trong quý 4/2023 của xuất khẩu nói chung.
Với báo cáo của SSI Research, các chuyên gia phân tích riêng nhóm Ngân hàng, chưa nhận thấy có sự khởi sắc với ước tính lợi nhuận có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ nhưng giảm so với quý 2/2023 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm và chất lượng tài sản xấu đi. Bên cạnh đó, cần nói thêm là khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi vay phải liên tục điều chỉnh, trong đó, tập trung lãi vay để kích thích nhu cầu vốn, NIM của các ngân hàng cũng có thể bị thu hẹp.
Có thể bạn quan tâm