Ảm đạm chứng khoán cuối năm
Triển vọng kết quả kinh doanh, dòng vốn và cơ hội khá mờ mịt, khiến thị trường chứng khoán cuối năm khó sáng sủa.
>>>Cẩn trọng với xu hướng thị trường chưa rõ ràng của dòng vốn ngoại
Trong tháng 11, VN-Index có nhiều phiên giao dịch với biên độ lớn, nhưng thanh khoản thị trường ở mức thấp. Thị trường tăng giá khoảng hơn 6% so với cuối tháng 10 nhưng không có quá nhiều cổ phiếu tạo mức tăng lớn. Các nhóm ngành cũng không có sự nổi bật, giá cổ phiếu hầu như đi ngang trong biên độ 10%.
TTCK dường như không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó, những nhà đầu tư (NĐT) lướt sóng và sử dụng đòn bẩy lớn sẽ chịu nhiều rủi ro. Điều này lý giải vì sao tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy tổng lượng tiền gửi của cư dân đến hết tháng 9 đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm.
Câu chuyện về Vạn Thịnh Phát và SCB ngày càng rõ nét hơn trước các số liệu được công bố, cộng với nỗi đau trái phiếu doanh nghiệp chưa phai nhạt thì điều quan trọng với NĐT là bảo toàn vốn. Trong khi đó, chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm, nhiều doanh nghiệp sẽ cần thêm dòng tiền. Vì thế, họ sẽ tham gia phát hành tăng vốn.
Chỉ tính riêng giai đoạn hiện nay đã có khá nhiều công ty công bố kế hoạch này, như SSI, VND, LVPS, TPS và VFS đã có kế hoạch tăng vốn lên đến 13.400 tỷ đồng. Trong khi đó, một số ngân hàng đã trả cổ tức bằng cổ phiếu… Điều này sẽ khiến TTCK gặp áp lực cung lớn.
Thực trạng trên có thể sẽ khiến một lượng vốn đầu tư chảy sang kênh vàng, một kênh đầu tư vừa an toàn dài hạn, lại có điều kiện tăng giá khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng mạnh hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng miếng SJC đã tăng 5% lên mức đỉnh gần 75 triệu đồng/lượng.
Khi càng về cuối năm, tâm điểm sẽ dồn nhiều hơn vào nền tảng doanh nghiệp như kết quả kinh doanh, dòng vốn và cơ hội. Nhìn vào thực tế hiện nay thì cả 3 yếu tố này đều mờ mịt, khiến xu hướng TTCK khó lường hơn.
Có thể bạn quan tâm