Bộ GTVT ủng hộ thực hiện "siêu" cảng Cần Giờ
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng bày tỏ sự ủng hộ đồng thời yêu cầu khẩn trương thực hiện các thủ túc nhanh nhất để sớm hiện thực hóa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
>>Siêu cảng Cần Giờ “vắng bóng” trong Quy hoạch cảng biển
Dự án cảng quốc tế Cần Giờ hiện đang được liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC) lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án được kỳ vọng tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển.
Các đơn vị cho biết đang cố gắng trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND TP.HCM trong quý 1-2023. Đồng thời mong muốn triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 cảng trung chuyển này vào năm 2024, đưa vào khai thác năm 2027.
Theo báo cáo của VIMC cho thấy dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ (7 giai đoạn) là hơn 112.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, dự án sẽ được đầu tư giai đoạn 1 và 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 33.692 tỷ đồng (1,39 tỷ USD). Dự án dự kiến sử dụng 70% vốn vay và 30% vốn tự có. Khi hoàn thành dự án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT và tàu feeder (tàu gom hàng) trọng tải từ 10.000-65.000 DWT với tổng chiều dài bến cầu chính khoảng 7,2km.
"Hiện nay, các đơn vị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, cố gắng trong quý 1 trình Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng như UBND TP.HCM, mục tiêu bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 của siêu cảng trung chuyển này vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Chúng tôi kỳ vọng việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam - rồng biển thức giấc", ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sài Gòn kỳ vọng.
>>VIMC đề xuất chỉ định thầu cho siêu dự án cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ
Tuy nhiên như DĐDN đã đưa tin, siêu cảng Cần Giờ lại “vắng bóng” trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua.
Do đó tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng với VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam cũng như cập nhật nội dung điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng Cần Giờ trong Quy hoạch các nhóm cảng biển và trong quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
VIMC cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với các bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ để Tổng công ty và Cảng Sài Gòn được làm chủ đầu tư dự án đồng thời 2 đơn vị sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đề xuất đầu tư dự án cảng này.
Khẳng định lĩnh vực hàng hải còn nhiều dư địa để phát triển, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ mà VIMC đang đề xuất đầu tư xây dựng đồng thời yêu cầu Tổng công ty làm việc với các đơn vị liên quan, khẩn trương thực hiện các thủ tục, làm nhanh nhất có thể để sớm hiện thực hóa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Từ góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ rất cần thiết và phải làm ngay. Cảng này không cạnh tranh, mà bổ sung và cùng khai thác hiệu quả vận tải biển ở toàn khu vực Đông Nam Bộ.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, quá trình triển khai, các đơn vị cũng cần tính toán hai vấn đề lớn là hạ tầng giao thông ra vào cảng và đánh giá tác động đến sinh quyển Cần Giờ.
Về vấn đề này, đại diện nhà đầu tư phân tích: khu vực cảng thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Do nằm trong vùng chuyển tiếp trên hai cù lao cách vùng lõi khu dự trữ bằng sông Thêu nên khá biệt lập, ít ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Đây là cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối sẽ giảm tác động đến môi trường.
Ngoài ra trong quá trình thực hiện, các đơn vị xây dựng đánh giá tác động môi trường, có tham vấn, báo cáo UNESCO để tìm ra những giải pháp xây dựng, vận hành giảm thiểu tối đa các tác động. Được biết, cảng được xây dựng trên nền tảng cảng chuyên nghiệp, đảm bảo mô hình xanh và tự động hóa.
Có thể bạn quan tâm
Siêu cảng Cần Giờ “vắng bóng” trong Quy hoạch cảng biển
00:44, 11/11/2022
Quảng Ninh: Cảng biển khởi sắc những ngày đầu xuân 2023
01:05, 26/01/2023
Tập đoàn TKV: "Xông" cảng cho ngày mùng 1 Tết với 41.000 tấn than
23:56, 22/01/2023
Gemadept muốn thoái hết vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ
03:00, 03/01/2023