Tây Ninh: Thu hồi 5 dự án chậm tiến độ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố công khai các dự án bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng trong giai đoạn 2018-2022 ở Tây Ninh.
>>> Cần thiết rà soát quy hoạch xây dựng ven biển
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công khai danh sách kết luận thanh tra đối với dự án bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất giai đoạn 2018-2022.
Theo danh sách gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã thu hồi đất của 5 dự án bao gồm: Dự án Nhà máy gạch không nung của Công ty CP gạch không nung Nam Đô; dự án Xây dựng chợ Đồng Khởi của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Phú An Thuận; dự án Xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bao bì Trảng Bàng; dự án Xây dựng Trạm cấp nước của Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng công nghệ môi trường Hùng Phương và dự án Nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm từ sợi của Công ty TNHH Sợi Tây Ninh.
Trong số 5 dự án bị thu hồi đất, có 3 dự án không đưa đất vào sử dụng, gồm: dự án Xây dựng chợ Đồng Khởi của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Phú An Thuận (tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành); dự án Xây dựng Trạm cấp nước của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng công nghệ môi trường Hùng Phương (tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu) và dự án Nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm từ sợi của Công ty TNHH Sợi Tây Ninh (tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu).
2 dự án còn lại bị thu hồi do chậm đưa đất vào sử dụng là: dự án Nhà máy gạch của Công ty Cổ phần gạch không nung Nam Đô (tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành) và dự án Xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bao bì Trảng Bàng (tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu).
Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Phú An Thuận được UBND tỉnh Tây Ninh giao đất, cho thuê đất từ năm 2010 để thực hiện dự án Xây dựng chợ Đồng Khởi, với quy mô hơn 1,2ha, tổng vốn đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 12 năm được chấp thuận chủ trương, công ty không thực hiện bất kỳ hạng mục nào của dự án và không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không nộp tiền thuê đất theo quy định.
Dự án Xây dựng Trạm cấp nước của Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng công nghệ môi trường Hùng Phương được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 29/2/2016 với diện tích sử dụng 577,1 m2. Tiến độ thực hiện dự án là 7 tháng kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, đưa dự án vào hoạt động tháng 9/2016.
Nhưng đến thời điểm thanh tra, dự án trạm cấp nước sạch của công ty này chưa đưa vào hoạt động, công ty mới bắt đầu xây dựng công trình của dự án là đã chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng, vi phạm Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Với dự án Nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm từ sợi của Công ty TNHH Sợi Tây Ninh (tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 20/5/2008, cho thuê diện tích đất 49.783,8m2. Kể từ khi được bàn giao ngoài thực địa (năm 2009) cho đến thời điểm thành tra, công ty này vẫn chưa có bất kỳ tác động nào trên diện tích đất được cho thuê.
Đối với Công ty CP gạch không nung Nam Đô, được thuê đất 20.008,9m2 tại ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành để xây dựng dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung với tiến độ thực hiện là 7 tháng kể từ tháng 8/2015.
Qua thanh tra, đến thời điểm hiện tại dự án Nhà máy chưa đưa vào hoạt động, Công ty chỉ xây dựng được nhà xưởng bằng thép tiền chế, lợp tole, nền xi măng, diện tích 75m x 30m, đã chậm tiến độ 24 tháng.
Riêng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bao bì Trảng Bàng, dù đã được tỉnh Tây Ninh đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và cho thuê đất để thực hiện dự án với diện tích hơn 2,3 ha từ năm 2006 tại ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, nhưng đến thời điểm thanh tra (năm 2022), công ty không đưa đất vào sử dụng, không triển khai xây dựng bất kỳ hạng mục công trình nào, trên đất đang trồng cây tràm nước, không có quá trình quản lý, sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất.
Hiện nay, công ty đã giải thể theo quy định của pháp luật về đầu tư. Do đó, phần diện tích hơn 2,3 ha đã được UBND tỉnh cho thuê thuộc trường hợp phải thu hồi theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai: Thu hồi đất để điều tiết chênh lệch địa tô là cần thiết
12:49, 30/08/2023
Thu hồi đất cần hài hòa lợi ích
13:30, 29/08/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định thu hồi đất vì lợi ích công cộng
04:00, 28/08/2023
Nghiêm cấm vừa “chạy” quy hoạch vừa ra quyết định thu hồi đất
01:00, 26/08/2023
Hải Dương: Vì sao Công ty Cổ phần cá giống Kinh Môn bị thu hồi đất?
00:06, 28/07/2023