Lực hấp dẫn phía Đông Hà Nội
Phát triển có phần muộn hơn phía Tây thế nhưng khu Đông Hà Nội đang chuyển mình bứt phá với làn sóng cư dân đổ về sinh sống, giúp giá trị bất động sản tại đây gia tăng nhanh chóng.
>>>>QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Lan toả động lực phát triển thủ đô
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, chia sẻ với PV, anh Nguyễn Xuân Hoàng (Hà Nội) cho biết, thị trường khu Đông Thủ đô dù phát triển sau nhưng những năm gần đây đã không ngừng “tăng tốc” và chứng kiến những cơn sốt chưa từng có.
"Tầm ngắm" của nhà đầu tư
Anh Hoàng cho hay, với hạ tầng kết nối dần được đầu tư đồng bộ, sự xuất hiện của các dự án đại đô thị đa tiện tích, vùng đất bị bỏ quên này đã được đánh thức, trở thành cực tăng trưởng mới của thị trường địa ốc Thủ đô.
Trong khi đó, ghi nhận tại báo cáo thị trường quý III/2022 của Savills Việt Nam, khu vực này cũng là nơi tập trung nguồn cung lớn nhất trong tương lai. Trong quý IV/2022 sẽ có 8 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ mở bán 5.033 căn hộ cho thị trường, trong đó Gia Lâm chiếm 80% nguồn cung.
Cũng theo báo cáo, Hà Nội cần có thêm 19,69 triệu m2 căn hộ (tương đương 166.600 căn) đến năm 2025 để đáp ứng nguồn cầu. Tuy nhiên, sẽ chỉ có thêm 70.000 căn dự kiến được mở bán tới năm 2025, do đó dẫn tới việc thiếu hụt giữa nguồn cung và tiếp tục kéo giá nhà lên cao.
“Hiện các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất nhà ở tại các tỉnh lân cận. Nguồn cung từ các tỉnh này sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Hà Nội. Trong tương lai, Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 104.800 căn hộ” – bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Savills Hà Nội nhận định.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá khu vực phía Đông Hà Nội đang lọt vào "tầm ngắm" của các nhà đầu tư bởi mạng lưới giao thông ngày càng đồng bộ, đặc biệt là Gia Lâm.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã dành khoảng 12 nghìn tỉ đồng để triển khai hơn 400 dự án quan trọng tại Gia Lâm. Theo Đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu Đông cũng tiếp tục hưởng lợi khi có 6 cây cầu mới bắc qua sông Hồng, nối 2 bờ thành phố là các cầu Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở.
Cùng với đó, sự hoàn thiện của các tuyến giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5A, nút giao Cổ Linh... sẽ đưa bờ Đông sông Hồng vươn mình thành cực tăng trưởng mới của Thủ đô.
>>QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Sức hút từ các đại đô thị phía Đông
Lộ trình phát triển tất yếu
Trao đổi với DĐDN, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhìn nhận, một dòng sông lớn rất có ý nghĩa về nhiều mặt đối với một thành phố. Không gian kinh tế rộng hơn, đa dạng hơn tạo nên mật độ kinh tế cao hơn. Sông lớn cũng là một giải pháp kết nối thành phố với nhiều trung tâm kinh tế khác tạo ra một tuyến giao thông - vận tải thuận tiện và công suất lớn.
Nhìn trực diện về địa hình, phía Bắc và phía Đông Hà Nội (bên kia sông Hồng) có địa hình cao, thoát nước rất nhanh và không bị ngập lụt do mưa lớn. Dáng địa hình cao này kéo tiếp đến phần bên này sông Hồng. Đi tiếp nữa lại là vùng trũng luôn bị ngập lụt.
“Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về sông Hồng để lấy hết tiềm năng từ đó cho phát triển Hà Nội. Đừng để dòng sông này đóng vai "quốc phòng" chủ đạo, hãy bắt sông Hồng đóng vai tạo động lực kinh tế để phát triển Hà Nội. Một dải đất gắn với sông Hồng và đất phía Đông và phía Bắc Hà Nội phải trở thành đất vàng” – ông Võ bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cũng cho rằng khu vực phía Đông đang có nhiều thuận lợi. Trừ Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm đang do các tập đoàn lớn quy hoạch bài bản đã tạo ra sự đồng bộ. Bên cạnh đó, tại vành đai phía đông, các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… là những động lực kinh tế phát triển công nghiệp, tạo xung phực phát triển mạnh mẽ cho cả khu Đông Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn chia sẻ, các nhà đầu tư đều kỳ vọng vào tương lai khi đầu tư bất động sản, theo đó kỳ vọng khu vực bất động sản đó có phát triển kinh tế không, khu vực phía đông có nguồn vốn đầu tư FDI lớn, chỉ số cạnh tranh tốt.
"Nghiên cứu khảo sát của chúng tôi cho thấy khu vực nào có vốn FDI tăng trưởng tốt đều có tăng trưởng giá bất động sản tốt qua mỗi năm. Khảo sát của chúng tôi tại khu vực phía đông cho thấy những điểm sáng tốt" - ông Quốc Anh khẳng định.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc VietstarLand cho rằng, phát triển về phía Đông là một lộ trình tất yếu khi mà trung tâm thành phố Hà Nội đã quá tải, khu vực phía Tây đã gần như hết dư địa phát triển, còn phía Đông quỹ đất rất dồi dào.
Bên cạnh mạng lưới 10 cây cầu sẽ được cơi nới hoặc xây mới, phía Đông Hà Nội cũng là nơi có hệ thống đường bộ đồng bộ và hiện đại bậc nhất Thủ đô.
"Khi có hạ tầng rồi việc tiếp theo sẽ là kéo dân về ở. Lúc này, BĐS sẽ phát huy vai trò của mình. Trên thực tế, hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn đều đã chọn phía Đông Hà Nội làm nơi dừng chân" - ông Khiêm cho biết.
Có thể bạn quan tâm
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Cuộc đại dịch chuyển tạo nên những trung tâm mới
15:12, 25/10/2022
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Sức hút từ các đại đô thị phía Đông
11:00, 25/10/2022
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Lan toả động lực phát triển thủ đô
10:37, 25/10/2022
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Cơ hội phát triển Thủ đô xứng tầm
10:04, 25/10/2022
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Nâng tầm phát triển kinh tế và hệ thống bất động sản
10:00, 25/10/2022