Không gian phát triển mới cho Thủ đô

LƯU VÂN 27/10/2022 14:00

Các chuyên gia cho rằng cần triển khai ngay Quy hoạch Sông Hồng không thể chậm hơn bởi đây là mong mỏi của nhân dân, hiện thực giấc mơ về một thành phố trong sông.

>>> Cuộc “đổ bộ” về phía Đông Hà Nội

 Diễn đàn

Diễn đàn "Quy hoạch đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí DĐDN phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức sáng 25/10 tại Hà Nội

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ: Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Cùng với đó, Hà Nội đã phê duyệt Đề án phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Từ quy hoạch đến thực tiễn

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đánh giá: “Đề án lần này đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên lấy phòng chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu đảm bảo chất lượng sống cho dân cư hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích… kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông hồng, tạo không gian hài hoà phát triển”.

Bà Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Việt Nam, Bộ Xây dựng thừa nhận: “Quy hoạch sông Hồng trở thành dấu mốc lịch sử, từng bước để thành phố Hà Nội mạnh dạn phát triển vượt qua sông Hồng, biến hai bên bờ sông trở thành những đô thị lớn, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”.

>>> Hà Nội yêu cầu nghiên cứu đề xuất của DĐDN về đồ án quy hoạch sông Hồng

Để đảm bảo thực hiện từ quy hoạch sát thực tiễn, bà Phạm Thị Nhâm cho rằng, quan trọng nhất cần Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học đối thoại với chính quyền.

“Lựa chọn dự án đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới thay vì lựa chọn các chức năng nhà ở thuần tuý. Không gian chức năng đô thị 2 bên sông và cây cầu kết nối qua sông đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại”, bà Nhâm bày tỏ.

Thủ đô sáng tạo

TS. KTS Trương Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển về phía Bắc và phía Đông Hà Nội, trả lại không gian xanh cho thành phố và khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông Hồng. Thủ đô có thể cải thiện toàn bộ những vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, tạo ra không gian đô thị tốt hơn.

“Chắc chắn những mô hình phát triển đô thị trong tương lai với Nghị quyết 15-NQ/TƯ sẽ tạo ra một trung tâm mới, hiện đại, khang trang phía Bắc sông Hồng, tạo ra những không gian cảnh quan, những công trình dịch vụ tiện ích đô thị xứng tầm quy hoạch, xứng tầm với vai trò là Thủ đô sáng tạo”, TS. KTS Trương Văn Quảng bày tỏ.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, vùng Thủ đô Hà Nội còn có thể nói là đầu tàu của thị trường bất động sản cả nước sắp tới hứa hẹn tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng quy hoạch đô thị sông Hồng được thực hiện.

Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam:

Khu vực phía Bắc và phía Đông đang có xung lực phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Với khu vực phía Bắc, tầm nhìn của các nhà quy hoạch cho thấy là sân bay quốc tế và sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Cảng biển nước sâu của Hà Nội nằm ở khu vực phía đông và không phải ngẫu nhiên các hành lang lớn như đường 5 cũ, đường 18… đều nằm ở phía đông. Do đó, khu vực phía Đông sẽ là cực đô thị hóa nhanh chóng so với khu vực phía Nam và phía Tây.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Xuyên suốt trong Quy hoạch chung của Hà Nội đều lấy sông Hồng làm trục phát triển. Đây là ý tưởng tốt. Trục sông Hồng chính thức hiện thực hoá và nằm trong thành phố. Để những điểm sáng phía Đông xuất hiện ngày càng nhiều thì vai trò của chính quyền quan trọng. Cần lấy trục kinh tế phát triển tạo sức mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ đi kèm nhà ở, sát sao trong quản lý và triển khai quy hoạch, từ bản vẽ, quyết định được duyệt đến thực tế.

Ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc VietstarLand:

Phát triển thành phố về phía Đông là đi theo xu hướng chung của thế giới, lấy mẫu số là các thành phố 2 bên sông như Paris của Pháp, London của Anh… Tương lai “lõi nội đô 2” sẽ xuất hiện ngay tại phía Đông Hà Nội với vóc dáng một trung tâm mới hiện đại, năng động. Theo đó, Quy hoạch sông Hồng sẽ biến Hà Nội thành điểm đến của các du khách quốc tế và các nhà đầu tư. BĐS ở đây sẽ chống lại được lạm phát và sự phát triển không ổn định của thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Cuộc đại dịch chuyển tạo nên những trung tâm mới

    QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Cuộc đại dịch chuyển tạo nên những trung tâm mới

    15:12, 25/10/2022

  • QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Sức hút từ các đại đô thị phía Đông

    QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Sức hút từ các đại đô thị phía Đông

    11:00, 25/10/2022

  • QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Lan toả động lực phát triển thủ đô

    QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Lan toả động lực phát triển thủ đô

    10:37, 25/10/2022

  • QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Cơ hội phát triển Thủ đô xứng tầm

    QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Cơ hội phát triển Thủ đô xứng tầm

    10:04, 25/10/2022

  • QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Nâng tầm phát triển kinh tế và hệ thống bất động sản

    QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VEN SÔNG HỒNG: Nâng tầm phát triển kinh tế và hệ thống bất động sản

    10:00, 25/10/2022

LƯU VÂN