Nhiễu loạn thông tin báo cáo thị trường bất động sản: Nguy cơ gây “sốt đất ảo”
Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) kiến nghị cần luật hóa quy trình số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản.
>>> Quy luật tất yếu của thị trường bất động sản
Thông qua phân tích cơ sở pháp lý và thực trạng, kết quả nghiên cứu của VIRES chỉ ra, với lợi thế linh hoạt trong cách thức hoạt động, dễ dàng nắm bắt nhanh chóng các xu thế mới, cộng với nguồn lực dồi dào, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ khả năng để trở thành một mắt xích quan trọng trong việc xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản. Chính doanh nghiệp cũng là một thành phần tham gia vào hoạt động của thị trường, do đó cũng là nguồn tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý và quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin với công chúng; quy định về đảm bảo tính xác thực của thông tin và quy rõ trách nhiệm cho cơ quan nào kiểm chứng thông tin do doanh nghiệp công bố, đặc biệt là thông tin dưới dạng báo cáo nghiên cứu. Trong khi đó, hiện cũng chưa có hệ thống thông tin dữ liệu hoàn chỉnh, chính thống về thị trường bất động sản.
Trên thực tế, điều này đang dẫn đến 3 nguy cơ: Một là, khách hàng bị đánh cắp dữ liệu về sở hữu bất động sản khi giao dịch trên nền tảng số, kéo theo tình trạng mua bán dữ liệu trái phép; hai là một số doanh nghiệp tự đầu tư nguồn lực để số hóa dữ liệu mà không có sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước, xâm phạm quyền riêng tư và bảo mật thông tin để khai thác thông tin từ các cá nhân, doanh nghiệp sau đó lưu trữ như một loại tài sản tư nhân và công bố thông tin để dẫn dắt sai lệch, đẩy giá, lôi kéo mua hàng hoặc thao túng thị trường; ba là làm giảm tính minh bạch, khách quan về thông tin của thị trường bất động sản, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, công tác quản lý nhà nước nhằm phát triển bền vững thị trường, từ đó làm giảm đi tính hấp dẫn của thị trường bất động sản, làm gia tăng thêm những góc nhìn thiếu thiện cảm về thị trường này.
VIRES kiến nghị cần luật hóa quy trình số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản để thiết lập hành lang pháp lý đủ mạnh để yêu cầu các chủ thể tham gia vào thị trường đều có trách nhiệm và phải thực hiện các nghĩa vụ để minh bạch thông tin trên thị trường bất động sản.
Nghĩa là, rủi ro về đầu vào, đầu ra và lưu trữ thông tin đều có thể xảy ra khi thực hiện số hóa dữ liệu bất động sản trong bối cảnh chưa xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu thập, khai thác và công bố thông tin.
Đối với các báo cáo do các doanh nghiệp công bố, cần luật hóa cơ chế phản biện độc lập của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực bất động sản, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ độc lập.
>>> Doanh nghiệp địa ốc chật vật vì thiếu vốn
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 dành một chương để quy định về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (Chương VIII), tuy nhiên, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tự thu thập, nghiên cứu, lưu trữ và công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa được làm rõ.
VIRES kiến nghị Chính phủ nên quy định cụ thể điều này khi soạn thảo và ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo hướng làm rõ việc doanh nghiệp có được phép công bố các báo cáo thông tin, đánh giá, nhận định về thị trường bất động sản ra công chúng hay không để có cơ chế quản lý thực trạng này, tránh việc các báo cáo tiếp tục “nở rộ” gây nhiễu loạn thông tin trên thị trường.
Nếu doanh nghiệp được phép công bố các báo cáo thông tin thì cần đặt ra những tiêu chí cụ thể để kiểm soát mức độ ảnh hưởng của thông tin, tính xác thực, khách quan, khoa học của thông tin, trách nhiệm của doanh nghiệp với nguồn tin sau khi thông tin được công bố. Cùng với những tiêu chí này, việc thẩm định, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các thông tin thị trường mà doanh nghiệp công bố cũng cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, nhanh chóng, hiệu quả.
Sau cùng, cần tạo cơ chế để cá nhân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tin chính xác, kịp thời, hữu ích về thị trường bất động sản trên một hệ thống thông tin được quản lý, giám sát chặt chẽ. Việc cung cấp cho các chủ thể tham gia thị trường thông tin khách quan, trung thực cũng giúp cho họ có căn cứ để đánh giá giá trị thực của sản phẩm và có niềm tin tham gia đầu tư vào thị trường./.
Có thể bạn quan tâm