“Kẽ hở” cho ngân hàng kinh doanh bất động sản

Diendandoanhnghiep.vn Những “lỗ hổng” tồn tại trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể sẽ tiếp tay cho các nhà băng "đi buôn" bất động sản không khác một công ty địa ốc chuyên nghiệp.

 Nếu các TCTD cũng kinh doanh bất động sản thì vai trò kinh doanh tín dụng sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Đình Sơn

Nếu các TCTD cũng kinh doanh bất động sản thì vai trò kinh doanh tín dụng sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Đình Sơn

Thời gian qua, việc Saigonbank đã thông báo mời các tổ chức và cá nhân thuê bất động sản của ngân hàng đã tạo nên các luồng dư luận trái chiều, bởi theo Điều 132 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “TCTD không được phép kinh doanh bất động sản".

TCTD “đi buôn” bất động sản

Đáng chú ý, gần đây, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nêu ra một số trường hợp ngoại lệ, cho phép các ngân hàng vẫn được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD. Điều này tiếp tục dẫn đến những băn khoăn lo ngại đây sẽ là kẽ hở cho các ngân hàng "đi buôn" bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), những quy định "ngoại lệ" này đã "bật đèn xanh" cho các TCTD có xu hướng mở rộng mạng lưới chi nhánh, địa điểm làm việc, cơ sở kho tàng, nhất là xây dựng các tòa nhà cao ốc văn phòng hoành tráng để vừa làm trụ sở, vừa có một phần không nhỏ để kinh doanh bất động sản cho thuê.

Không những vậy, theo HoREA, quy định "cho phép nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay" cũng là kẽ hở cho các ngân hàng kinh doanh bất động sản. Bởi Luật các TCTD 2010 cho phép ngân hàng nắm giữ bất động sản liên quan việc xử lý nợ vay trong thời hạn 3 năm mới phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại. Quy định này vốn đã tạo "đất" cho các TCTD thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản. Nay, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) lại tăng thời hạn cho phép nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay lên 5 năm. Điều này càng rộng đường cho các TCTD hoạt động không khác gì một công ty địa ốc chuyên nghiệp.

Đồng quan điểm, theo LS. Phạm Liền, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam, bản chất của tài sản bất động sản là tính cố định, tính thanh khoản không cao như tiền mặt, nên khi dùng vốn huy động để đầu tư vào dự án bất động sản, lúc cần lấy lại số vốn này trong một thời gian ngắn sẽ rất khó.

Do vậy, pháp luật nghiêm cấm các ngân hàng thương mại được đầu tư kinh doanh địa ốc, trừ những trường hợp đầu tư vào trụ sở kinh doanh phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, xử lý nợ xấu thế chấp từ doanh nghiệp, cho thuê lại mặt bằng nhằm đảm bảo lợi ích của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, và đảm bảo trật tự quản lý của ngân hàng Nhà nước.

“Nếu cho phép các trường hợp ngoại lệ, có khả năng dẫn đến tình trạng ngân hàng mất khả năng thanh toán là rất cao, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, người dân” - LS. Phạm Liền cho hay.

Tiềm ẩn rủi ro lớn

Dẫn bài học nhãn tiền từ vụ việc ngân hàng SCB, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho hay, vốn chôn vào bất động sản khiến hiệu quả sử dụng vốn giảm. Khi ngân hàng gặp rủi ro, Nhà nước lại phải tham gia tái cơ cấu. Do đó, không nên khuyến khích ngân hàng đầu tư, kinh doanh bất động sản.

“Nhiệm vụ chính của TCTD là ưu tiên để cấp vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Nếu tạo lỗ hổng cho TCTD "đổ xô" đi kinh doanh bất động sản thì vai trò kinh doanh tín dụng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là khi lĩnh vực bất động sản thường trực nhiều rủi ro, thường xuyên có các khủng hoảng, tiền sẽ bị "ngâm" trong bất động sản” – ông Nghĩa khẳng định.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, bên cạnh việc xem xét quy định chặt chẽ hơn việc cho phép thực hiện hoạt động kinh doanh, nhất là bất động sản cho thuê văn phòng tùy thuộc năng lực của từng TCTD, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý chặt chẽ tình trạng các ngân hàng mở rộng mạng lưới, trụ sở, chi nhánh, kho tàng để kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị thời hạn cho phép giữ bất động sản nên giữ nguyên như Luật các TCTD hiện hành là 3 năm, thay vì 5 năm như dự thảo Luật các TCTD sửa đổi và cần thiết phải bổ sung quy định doanh thu kinh doanh bất động sản không vượt quá 15% tổng doanh thu của TCTD.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Kẽ hở” cho ngân hàng kinh doanh bất động sản tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714229374 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714229374 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10