Thành phố phía Bắc Hà Nội: Động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô
Thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2, có 45 phường và 24 xã.
>>Doanh nghiệp địa ốc chật vật vì thiếu vốn
Thông tin trên được nêu trong tờ trình của UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP về việc thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đồ án, thành phố phía Bắc sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385km2, khu vực ngoại thị khoảng 248km2 với 45 phường và 24 xã.
Hướng đến đô thị hiện đại
Vị trí đề xuất trung tâm thành phố phía Bắc sông Hồng được dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, gần các trung tâm lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa.
Theo định hướng, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố mới, đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông Tây và Bắc Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.
Dự kiến, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 14, khóa XVI.
>>Nhiễu loạn thông tin báo cáo thị trường bất động sản: Nguy cơ gây “sốt đất ảo”
Ngoài ra, thành phố phía Bắc cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm thu hút tài năng trẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nhằm có thể xuất khẩu văn hóa đến năm 2045.
Phát triển du lịch kết hợp phát huy, bảo tồn các không gian cảnh quan, kiến trúc lịch sử, văn hóa truyền thống trên cơ sở quần thể Cổ Loa thành, đền Sóc, chuỗi du lịch liên tỉnh trên hành lang sông Hồng.
Tránh “vẽ xong để đấy”
Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các huyện phía Bắc sông Hồng của Hà Nội có nhiều di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt quan trọng như đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Gióng (Sóc Sơn), di tích Cổ Loa (Đông Anh).
Cùng với đó, thành phố phía Bắc được định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng Hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.
Vị chuyên gia cho rằng, các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực tăng trưởng mới cho Thủ đô.
Theo KTS.Phạm Thanh Tùng - Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TW Hội KTS Việt Nam, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, với 3 đường vành đai hiện hữu và vành đai 4 chuẩn bị thực hiện, việc tập trung xây dựng những đô thị vệ tinh đúng nghĩa sẽ phù hợp. Để làm được điều đó, Hà Nội cần tính đến bài toán làm cách nào để di dân ra khỏi nội thành.
Ông Tùng cho biết, thời gian qua, Hà Nội cũng tạo ra được một số đô thị vệ tinh (ngoại thành), tuy nhiên các khu đó dường như chỉ để "ngủ" chứ không phải đô thị theo đúng nghĩa.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm cho rằng Hà Nội cần lưu ý đến quy hoạch phải lường trước nguồn lực để đầu tư. Tránh việc “vẽ xong rồi để đấy”. Để khi người dân đã di dời khỏi nội thành nhưng vẫn phải tập trung về đây để làm việc. Chưa kể còn rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, không thu hút được dân cư đến ở.
Có thể bạn quan tâm
Nhiễu loạn thông tin báo cáo thị trường bất động sản: Nguy cơ gây “sốt đất ảo”
10:00, 05/12/2023
Nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận bất động sản Việt Nam
15:07, 04/12/2023
Bất động sản Quảng Nam “ngủ đông”
03:00, 04/12/2023
Doanh nghiệp nợ thuế nghìn tỷ, nhiều tên tuổi bất động sản "điểm danh"
16:00, 03/12/2023
“Kẽ hở” cho ngân hàng kinh doanh bất động sản
06:00, 03/12/2023