Ngân hàng nỗ lực sạch nợ ở VAMC

Hà Anh 04/05/2019 11:01

Nợ xấu của các ngân hàng đã và đang có xu hướng gia tăng, nên nhiều nhà băng quyết tâm mua lại nợ đã bán cho VAMC để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Theo NHNN Việt Nam, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 2/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 896,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

 Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD giai đoạn 2012- tháng 2/2019

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD giai đoạn 2012- tháng 2/2019

Nợ xấu gia tăng

Theo báo cáo gửi tới phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội diễn ra hôm 25/4 mới đây, NHNN Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 2/2019 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,09%. Trong khi báo cáo của NHNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra hồi đầu năm nay cho thấy, nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đã giảm về còn 1,89% vào cuối năm 2018. Như vậy, nợ xấu đã tăng thêm 0,2 điểm phần trăm chỉ trong 2 tháng đầu năm.

Với số dư nợ tín dụng cuối năm 2018 là 7,21 triệu tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm khoảng 0,9%, số nợ xấu tuyệt đối tại thời điểm cuối tháng 2 khoảng hơn 152 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15.780 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2018- 2020: Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

    Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2018- 2020: Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

    11:30, 21/03/2019

  • Cẩn trọng rủi ro nợ xấu khi “tuyên chiến” với tín dụng đen

    Cẩn trọng rủi ro nợ xấu khi “tuyên chiến” với tín dụng đen

    05:01, 13/03/2019

  • Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ I): Nợ xấu chỉ giảm tương đối

    Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ I): Nợ xấu chỉ giảm tương đối

    11:02, 17/02/2019

  • Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ II): VAMC cần thêm nguồn lực xử lý nợ

    Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ II): VAMC cần thêm nguồn lực xử lý nợ

    11:20, 21/02/2019

  • Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ III): Cuộc chiến nợ xấu còn nhiều cam go

    Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ III): Cuộc chiến nợ xấu còn nhiều cam go

    11:01, 26/02/2019

  • TS. Lê Xuân Nghĩa: Nên cho phép ngân hàng tự xoá nợ xấu

    TS. Lê Xuân Nghĩa: Nên cho phép ngân hàng tự xoá nợ xấu

    10:20, 24/01/2019

Báo cáo tài chính quý 1/2019 của nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ so với tổng dư nợ. Đơn cử như Vietcombank là một trong những những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, nhưng nợ xấu của ngân hàng này đã tăng thêm tới 729 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nay lên 6.952 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 0,98% tại thời điểm cuối năm 2018 lên 1,03% vào cuối tháng 3. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Vietcombank đã tăng thêm 155 tỷ đồng lên gần 4.926 tỷ đồng.

Nợ xấu của VPBank cũng tăng thêm 610 tỷ đồng trong quý 1/2019 lên 8.376 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,5% lên 3,62%, trong đó nợ nhóm 5 tăng thêm tới 274 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ xấu của OCB tăng 432 tỷ đồng lên 1.721 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,29% tại thời điểm cuối năm 2018 lên 2,82% vào cuối quý 1/2019. Hay như nợ xấu của Techcombank tăng 120 tỷ đồng lên 2.924 tỷ đồng, tỷ lệ xấu tăng 1,75% lên 1,78%...

Với các ngân hàng như Sacombank hay LienVietPostBank, SHB… mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ hoặc không thay đổi so với cuối năm 2018, song số dư tuyệt đối nợ xấu vẫn tăng. Chẳng hạn như LienVietPostBank, số dư nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng này vẫn tăng thêm khoảng 1,5 tỷ đồng lên 1.682 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 1,41% về còn 1,36% do dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng đang ở mức khá thấp, nhưng tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ này vẫn lên tới 6-7%. Chưa kể, hiện nhiều khoản nợ xấu mà VAMC đã mua từ năm 2013 đến nay, nhưng chưa xử lý được nên đến nay đã đến kỳ phải “trả về nơi sản xuất” để xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Bởi vậy, không ít ngân hàng đánh tiếng sẽ tất toán nợ xấu tại VAMC trong năm nay. Tiêu biểu trong số này phải nói tới Agribank. Là ngân hàng đầu tiên bán nợ cho VAMC, nhưng từ khi Nghị quyết 42 ra đời, Agribank đã thu hồi nợ xấu và nợ sau xử lý đạt 89.822 tỷ đồng. Bởi vậy năm 2019, Agribank đặt mục tiêu làm sạch nợ tại VAMC.

Không riêng gì Agribank, mà nhiều nhà băng khác như BIDV, TPBank, Kienlongbank, VPBank, Eximbank, SHB… cũng đã lần lượt công bố kế hoạch mua lại nợ, tất toán trái phiếu đặc biệt của VAMC trong năm nay.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC một mặt giúp các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu để giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng về dưới 2%, giảm tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5% như mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đề ra.

Bên cạnh đó, việc tất toán nợ xấu tại VAMC giúp các ngân hàng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt để xoa dịu bức xúc của cổ đông sau nhiều năm không nhận được đồng cổ tức nào cho dù các nhà băng liên tục lãi lớn. Bằng chứng là tại mùa ĐHCĐ vừa diễn ra, không ít lãnh đạo ngân hàng đã phải “khất” cổ đông khi bị NHNN bác kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt vì còn vướng nợ xấu tại VAMC. Điều đó đang khiến cho các nhà băng khó huy động thêm vốn từ cổ đông để tăng vốn khi mà thời hạn tuân thủ Basel II đang đến gần.

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả nhất vẫn là ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Thấu hiểu điều đó nên tại Chỉ thị 01/2019/CT-NHNN, NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu…

Hà Anh