Hỗ trợ tín dụng “chập chờn” và chưa đủ liều
Nhiều doanh nghiệp đề nghị ngành ngân hàng nên kéo dài thời gian hỗ trợ và giảm thêm lãi suất để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sau dịch COVID-19.
Tính đến nay, hệ thống các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng...
Vào cuộc chưa đồng đều
Ghi nhận những hỗ trợ của ngân hàng đối với các doanh nghiệp hội viên, song bà Phạm Hồng Thủy – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, sự vào cuộc của các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đồng đều, có ngân hàng làm nhanh, cũng có ngân hàng triển khai chậm.
Nhiều doanh nghiệp còn phản ánh, thủ tục xét duyệt hỗ trợ của các ngân hàng vẫn còn rườm rà; đặc biệt hiện vẫn không có bộ tiêu chí cụ thể để phân loại những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng gián tiếp khiến các ngân hàng lúng túng trong việc hỗ trợ. Bởi vậy, ông Trần Đăng Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đề nghị, NHNN nên đưa ra bộ tiêu chí cụ thể để phân loại các nhóm doanh nghiệp để làm cơ sở cho các ngân hàng đưa ra các mức hỗ trợ tương ứng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị NHNN nên kéo giảm thêm lãi suất cho vay. Đồng tình với đề nghị này, một chuyên gia cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất vẫn ở mức khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong khi dự địa giảm thêm lãi vay vẫn còn.
Kéo dài thời gian hỗ trợ hay “bó hẹp”?
Bản thân lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, do Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành trong thời gian khá gấp nên chính sách chưa thể bao quát hết những khó khăn do dịch bệnh. Vì vậy, NHNN đang rà soát sửa đổi bổ sung Thông tư 01.
Tuy nhiên, tại Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 01, không hiểu NHNN kéo dài thời gian hỗ trợ hay “bó hẹp”?
Bởi theo Thông tư 01, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay có phát sinh nợ gốc và lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Thế nhưng, tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01, NHNN đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện đối với những khoản vay có phát sinh nợ gốc và trả lãi từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020.
Một chuyên gia cho rằng, quy định như vậy thậm chí còn “bó hẹp” hơn so với Thông tư 01. “Nếu đến thời hạn 31/12/2020 vẫn chưa hết dịch thì sao? Chẳng lẽ lúc đó, doanh nghiệp không còn được hỗ trợ nữa?”, vị chuyên gia này đặt vấn đề và cho biết: Hiện nhiều dự báo cho thấy, phải 12-18 tháng nữa mới tìm ra vắc xin phòng chống dịch COVID-19, và chừng nào chưa có vắc xin, chừng đó không thể công bố là hết dịch được, bởi rất có thể dịch sẽ tái phát.
Bởi vậy, NHNN cần xem xét lại dự thảo quy định nói trên để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất hậu dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp SMEs khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng vì chuẩn vay
14:25, 14/05/2020
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Khó công bằng hỗ trợ tín dụng
11:30, 26/04/2020
[DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 20- 25/4] Nới room tín dụng, cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho SME
11:30, 25/04/2020
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Cần cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho các doanh nghiệp SME
06:01, 24/04/2020
[eMagazine] Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
14:50, 23/04/2020
Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
11:00, 23/04/2020